Thâm Ý Qua Hình Tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
(Bodhisatva Manjusri)
DANH HIỆU.
Văn Thù Sư Lợi cũng gọi là Mạn Thù Thất Lỵ, dịch nghĩa là “Diệu Đức, Diệu Cát Tường”. Vì thấy rõ Phật tánh, mọi đức đều tròn đầy, không sự ràng buộc nào chẳng dứt, nên gọi Diệu Đức.
TIỀN THÂN.
Thuở xưa, Ngài là con thứ ba vua Vô Tránh Niệm tên là Thái tử Vương Chúng. Do cúng dường đức Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh nên được hiệu là Văn Thù Sư Lợi và được thọ ký sau này sẽ thành Phật ở thế giới thanh tịnh Vô Cấu Bảo Chỉ, hiệu là Phật Văn Thù (Kinh Bi Hoa).
Lại, trong kinh Pháp Hoa chép: Thời đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Ngài là Bồ-tát Diệu Quang thọ trì kinh Pháp Hoa. Tám người con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều theo học với Ngài, sau này các vị ấy đều thành Phật, trong số đó có Phật Nhiên Đăng và Di Lặc. (Kinh Pháp Hoa)
HẠNH NGUYỆN.
Ngài là vị Bồ-tát hiểu thấu Phật tánh, đầy đủ ba đức: Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát; hằng đem ba đức ấy giác ngộ chúng sanh. Ngài là hiện thân của căn bản trí, cho nên trong hàng Bồ-tát Ngài là Thượng thủ. Trong các hội thuyết pháp của đức Phật Thích Ca, Ngài luôn hiện thân trợ hóa.
BIỂU TƯỚNG.
Tay mặt Ngài cầm kiếm sắc bén. Tay trái cầm hoa sen xanh. Mình ngồi trên lưng Sư Tử xanh. Có nơi Ngài hiện tướng người xuất gia, vì với tư cách trợ hoá cùng đức Phật Thích Ca nên phải hiện thân người xuất gia như các vị Tỳ- kheo. Có chỗ thờ Ngài với hình thức người cư sĩ đội mũ, mặc giáp, cầm kiếm. Như Thiện Tài Đồng Tử tán thán:
“Thân mặc giáp nhẫn nhục,
Tay cầm gươm trí tuệ,
Tự tại hàng quân ma,
Xin thương xót cứu vớt tôi”.
(Kinh Hoa Nghiêm tập ba, phẩm pháp giới, Hòa Thượng Trí Tịnh dịch)
Tay cầm gươm trí tuệ,
Tự tại hàng quân ma,
Xin thương xót cứu vớt tôi”.
(Kinh Hoa Nghiêm tập ba, phẩm pháp giới, Hòa Thượng Trí Tịnh dịch)
THÂM Ý.
Ngài Văn Thù tượng trưng căn bản trí. Tay mặt Ngài cầm kiếm là biểu thị trí đức. Dùng trí tuệ sáng suốt phá tan tất cả vô minh hắc ám. Ánh sáng trí tuệ soi đến đâu, hắc ám tan đến đấy. Như dũng sĩ cầm kiếm bén xông pha trong trận mạc, chiếc liếm lia đến đâu thì đầu giặc rơi đến đấy. Sức trí tuệ vô cùng mãnh liệt, như thanh kiếm báu cứng chắc sang sảng, dù chạm phải cùng loại kim khí vẫn không bị khờn mẻ, mà có thể chặt đứt tất cả.
Tay trái Ngài cầm hoa sen xanh, biểu thị đoạn đức (đoạn dứt hết các thứ vô minh phiền não lậu hoặc). Đối với tự thân cũng do sức trí tuệ dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Bồ-tát không phải người ẩn nơi non cao rừng thẩm, sống trong cảnh thanh tịnh u nhàn, mà là người sống chung đụng với quần chúng, lăn lộn trong đám bụi trần để cứu độ chúng sanh, nên có lúc ra làm vua, có lúc làm quan, cũng có khi làm kẻ tật nguyền cùng khổ… tuy sống trong dục lạc dẫy đầy, mà Bồ-tát vẫn giữ tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm như người đời. Đó là nhờ trí tuệ dứt sạch tham ái, viên thành đoạn đức.
Chiếc giáp Ngài mang trên người gọi là giáp nhẫn nhục. Nhờ nó nên các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân. Nó che chở cho Bồ-tát vẹn toàn tâm từ bi; bọn giặc sân hận oán thù không thể nào xúc não được hạnh nguyện của Bồ-tát. Bồ-tát không bao giờ rời chiếc giáp nhẫn nhục. Thiếu nó Bồ-tát không thể nào thực hiện được tâm Bồ-đề.
Con Sư tử là biểu thị công năng của trí tuệ. Bởi vì sư tử là chúa sơn lâm, một tiếng rống của nó muôn thú đều nép phục. Bồ-tát do trí tuệ viên mãn hay thuyết pháp phá dẹp tất cả tà tuyết. Một phen chánh pháp vang lên, mọi tà thuyết đều ẩn náu. Như một phen sư tử rống lên thì muôn thú đều kinh tâm tán đởm.
Chúng ta thờ phụng, đảnh lễ Bồ-tát Văn Thù là để hướng về trí tuệ sẵn có của chúng ta. Lâu rồi, chúng ta mãi sống quay cuồng theo vô minh tham ái, trôi lăn trong biển sanh tử luân hồi, chịu chập chồng muôn nỗi khổ đau. Giờ đây, chúng ta hãy tỉnh dậy, quay về với trí tuệ sẵn có của mình, dùng thanh gươm trí tuệ chặt đứt lưới tham ái để vượt ra khỏi bể khổ thâm sâu. Chỉ có trí tuệ mới đủ công năng cứu ta ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo. Sau khi, tự cứu được mình bằng khả năng trí tuệ, chúng ta lại dùng nó tuyên dương chánh pháp hóa độ quần mê. Được vậy, phần tự lợi và lợi tha mới được đầy đủ. Tuy nhiên, người chiến sĩ muốn chiến thắng kẻ thù phiền não, muốn cứu thoát mọi người ra khỏi vòng kềm hãm của chúng thì lúc nào trong người cũng không rời chiếc giáp nhẫn nhục. Được thế, mới chắc chắn thành công. Cũng vậy, chúng ta muốn tự giác giác tha thì hạnh nhẫn nhục không lúc nào dám xao lãng. Có thực hành được như vậy, mới xứng đáng đảnh lễ đức Văn Thù tay cầm kiếm, mình mặc giáp; ngồi trên lưng sư tử.
HT Thích Thanh Từ
Trích từ sách "Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ Tát"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Trân trọng cám ơn!