|
Tề Thái Công, tên thật là Khương Thượng (姜尚), tự là Tử Nha (子牙), nên thường được gọi là Khương Tử Nha (姜仔呀), là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Khương Tử Nha được biết đến như một vị tướng tài vĩ đại và là người góp phần lập lên sự nghiệp nhà Chu kéo dài hơn 800 năm, là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Mục lục[ẩn] |
Thân thế và một số tên gọi khác
Khương Thượng là người ở Đông Hải. Tổ tiên ông từng làm chức Tứ nhạc giúp vua Hạ Vũ trị thủy có công. Sử ký xác định tổ tiên ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy Lã làm họ. Ông còn được dân gian và các nhà nghiên cứu lịch sử gọi bằng nhiều tên khác như: Khương Thái Công; Thái Công Vọng, Lã Vọng (xem phần gặp Tây Bá Cơ Xương ở dưới).
Giúp Tây Bá Cơ Xương
Sang thời nhà Thương, vì Lã Thượng là con cháu chi thứ nên dần dần trở thành dân thường. Vì nhà nghèo, Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá ở sông Vị.
Thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn, gặp Khương Thượng đang câu cá phía bắc sông Vị. Cơ Xương nói chuyện với ông rất hài lòng, ngưỡng mộ tài năng của ông. Cơ Xương nhớ lời tổ tiên là Thái Công dặn rằng sẽ có vị thánh đến nước Chu, giúp Chu hưng thịnh, ứng với quẻ bói trước khi đi săn. Do đó Cơ Xương quả quyết Khương Thượng chính là người Thái Công mong đợi trước đây và tôn ông làm Thái Công Vọng (nghĩa là người mà [Chu] Thái Công mong đợi), đón lên xe về cung và tôn ông làm thầy[1].
Sử ký còn dẫn thêm vài thuyết nữa về Khương Thượng[1]:
- Ông từng đi làm quan cho vua Trụ nhà Thương nhưng thấy vua Trụ vô đạo nên bỏ nhà Thương, đi du thuyết các chư hầu nhưng cũng không thành công. Cuối cùng ông sang nước Chu với Tây Bá.
- Cơ Xương bị vua Trụ giam ở Dữu Lý. Bầy tôi của Cơ Xương là Tán Nghi Sinh và Hoành Yêu biết Khương Thượng là nhân tài bèn mời ông về hợp tác. Khương Thượng nhận lời về giúp Chu. Ông cùng Tán Nghi Sinh và Hoành Yêu đồng mưu tìm gái đẹp và vật lạ dâng vua Trụ để chuộc Tây Bá ra ngoài. Từ đó ông được Tây Bá Cơ Xương tôn làm thầy.
Khương Thượng giúp Cơ Xương chấn chỉnh nội trị và xây dựng lực lượng nước Chu để mưu đánh đổ nhà Thương tàn bạo mất lòng dân. Ông giúp Tây Bá đánh các đất Sùng, Bí Tu, Khuyển, Di, mở rộng lãnh thổ nước Chu. Bờ cõi nước Chu rộng lớn, chiếm hai phần ba thiên hạ lúc đó[1].
Giúp Chu Vũ vương diệt Trụ
Cơ Xương chết, con là Cơ Phát lên thay. Khoảng năm 1126 TCN[2], Cơ Phát hội chư hầu chuẩn bị đánh vua Trụ, Khương Thượng cầm đầu quân đội. Tám trăm nước chư hầu tới hưởng ứng, nhưng Cơ Phát cho rằng thời cơ chưa chín nên tạm rút về.
Năm 1124 TCN, thấy chính sự nhà Thương đã rất suy đồi, Cơ Phát lại cùng Khương Thượng ra quân. Dù khi ra trận bói phải quẻ xấu nhưng Khương Thượng vẫn khuyên Cơ Phát là quẻ lành và cứ ra quân. Cơ Phát nghe theo.
Khương Thượng cầm đầu quân đội hội chư hầu ở bến Mạnh Tân. Chư hầu theo Chu đánh vua Trụ. Đến tháng 2 âm lịch năm 1123 TCN, quân Chu đánh bại quân Thương ở Mục Dã, dù lực lượng quân Thương đông hơn nhưng do vua Trụ tàn bạo nên quân lính oán ghét, ngả theo bên Chu. Trụ vương thấy toàn quân tan rã, bèn chạy đến Lộc Đài, tự thiêu mà chết.
Tề Thái công
Cơ Phát lên ngôi thiên tử, tức là Chu Vũ Vương. Khương Thượng là công thần, được phong làm vua Tề ở đất Doanh Khâu.
Trên đường sang phía đông về đất được phong, ông nghỉ đêm trong quán trọ. Người trong quán khuyên ông nên đi gấp về kẻo có sự tranh giành. Khương Thượng nghe theo, đang đêm trở dậy mặc áo lên đường, tới tảng sáng thì về tới đất Doanh Khâu. Đúng lúc đó Lai Hầu là vua đất Lai ở bên cạnh vốn là chư hầu cũ của nhà Thương chưa thần phục nhà Chu, có ý định tranh đất Doanh Khâu với ông, bèn mang quân tới đánh. Khương Thượng sửa sang chính sự, lấy lòng người bản địa. Nhiều người theo về ủng hộ, giúp ông đánh bại được Lai Hầu. Ông chính thức trở thành vua nước Tề[1].
Chu Vũ Vương qua đời, con là Chu Thành Vương nối ngôi. Ba người em Vũ Vương lại nghe theo con vua Trụ là Vũ Canh khởi binh phản nhà Chu, đồng thời lôi kéo người Di ở đất Hoài hưởng ứng. Chu Công Đán nhân danh Chu Thành Vương sai Thiệu Khang Công đi sứ tới nước Tề, giao toàn quyền cho ông chinh phạt các nơi không thần phục: phía đông đến biển, phía tây đến sông Hoàng Hà, phía nam đến Mục Lăng, phía bắc đến Vô Lệ.
Tề Thái công theo lệnh, mang quân chinh phạt các nơi. Trong khi đó Chu Công Đán cũng ra quân dẹp lực lượng của Vũ Canh. Sau 3 năm, nhà Chu dẹp được loạn. Tề Thái công cũng mở rộng cương thổ, nước Tề trở thành nước lớn.
Sau này không rõ Tề Thái công mất năm nào. Sử ký chỉ ghi ông thọ hơn 100 tuổi. Tính từ khi gặp Cơ Xương năm 80 tuổi tới khi qua đời, Khương Tử Nha hoạt động trong khoảng hơn 20 năm cuối thời nhà Thương, đầu thời nhà Chu. Tính riêng từ khi ông phục vụ dưới quyền Chu Vũ Vương (1134 TCN) đến khi nhà Chu dẹp xong loạn Vũ Canh (1113 TCN) là 21 năm, khi tham gia dẹp loạn thì Khương Tử Nha đã ngoài 100 tuổi[1][3].
Con ông là Khương (Lã) Cấp lên nối ngôi, tức là Tề Đinh công.
Tác phẩm
Binh pháp Lục Thao
Hiện nay vẫn còn một bản lưu được cho là binh pháp của Khương Tử Nha có tên là: Lục Thao. Một số người coi binh pháp này là bằng chứng thuyết phục nhất chứng minh sự tồn tại có thật của nhân vật Khương Tử Nha.
Lục Thao có thể nói là bộ binh pháp lâu đời nhất của Trung Quốc và nhân loại, còn gọi là Binh Pháp Thái Công. Trong Chiến Quốc Sách, các tướng quân cũng thường coi sách Lục Thao như sách giáo khoa về binh pháp.
Bộ binh pháp Lục Thao gồm 6 quyển:
- Quyển I: Văn Thao - gồm 12 thiên.
- Quyển II: Võ Thao - 5 thiên.
- Quyển III: Long Thao - 13 thiên.
- Quyển IV: Hổ Thao - 12 thiên.
- Quyển V: Báo Thao - 8 thiên.
- Quyển VI: Khuyển Thao - 12 thiên.
Càn khôn vạn niên ca
Khương Tử Nha được xem là tác giả của Càn khôn vạn niên ca - những bài thơ dự đoán tương lai lịch sử Trung Quốc.
Càn khôn vạn niên ca dự đoán các đời trị, loạn, nêu tên chiết tự và thời gian cầm quyền của các vua chúa, người cai trị Trung Quốc trong một hội (10.800 năm)[4].
Trong văn hóa
Trong văn học
Dân gian lưu truyền những câu truyện thần thoại, truyền thuyết vô cùng huyền bí về Khương Tử Nha. Thậm chí còn có cả một bộ sách truyền thuyết Phong thần diễn nghĩa nói xoay quanh Khương Tử Nha và cuộc chiến Chu - Thương.
Bấy giờ, Cơ Xương nuôi chí lật đổ nhà Thương, đi khắp nơi tìm kiếm người hiền tài. Một hôm, lên núi Bàn Khê thấy Khương Tử Nha ngồi câu cá với một lưỡi câu thẳng. Thấy lạ, Cơ Xương mới hỏi: "ông lão, sao câu cá bằng lưỡi câu thẳng thế thì câu sao được?". Khương Tử Nha mới trả lời: "Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ." (Một truyền thuyết khác nói rằng có người tiều phu hỏi ông sao câu được cá với lưỡi câu thẳng, ông trả lời rằng ông không câu cá mà câu Công, câu Hầu). Thấy vậy Cơ Xương mới đem những chuyện thế cuộc ra hỏi, quả nhiên Khương Tử Nha trả lời thông suốt cho thấy những kiến giải siêu phàm thế là từ đó Khương Tử Nha theo phò Cơ Xương. Lúc bấy giờ ông đã 60 tuổi.
Trong cuộc chiến Chu - Thương, nhà Chu còn có sự trợ giúp của các tướng nhà trời khác như: Nhị Lang Thần, cha con Tháp Lí Thiên Vương - Na Tra thái tử... Trong khi đó phía nhà Thương cũng được sự trợ giúp của Cửu Vĩ Hồ, Thân Công Báo...
Cũng theo truyền thuyết này, Khương Tử Nha là một người có pháp thuật cao siêu.
Cuộc chiến là một câu chuyện truyền thuyết về những cuộc so tài phép thuật và mưu lược sinh động, hấp dẫn mà các nhân vật trong đó còn ảnh hưởng tới cả các truyền thuyết khác.
Tích khác
Nguyên thuở trước, Ông Tổ của Khương Thượng là cháu của vua Thần Nông, tên Bá Ích, được phong làm Lữ Hầu, nên kể từ đó lấy họ Lữ (hay Lã), sau lại có công trị thủy nên theo họ Khương. Bởi vậy có hai họ: Lữ và Khương.
Khương Thượng, tên tộc là Vọng, nên gọi là Lữ Vọng hay Lã Vọng, tên chữ là Tử Nha, hiệu là Phi Hùng (gấu bay), quê quán ở Hứa Châu.
Năm Khương Thượng 32 tuổi, lòng mộ đạo nên đi lên núi Côn Lôn xin học Đạo với Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo. Ở núi tu 40 năm, Khương Thượng được 72 tuổi, thì Đức Nguơn Thủy gọi lên bảo:
- Số ngươi chưa thành Tiên đặng, hưởng lộc có dư. Nay Thành Thang hết vận có Tây Châu ra đời. Ngươi phải thay mặt Ta mà xuống thế, ra công giúp nhà Châu, cầm Bảng Phong Thần, sống làm tướng, thác làm Thần, công tu 40 năm, danh để muôn thuở.
Khương Thượng nói:
- Nay vâng lời thầy trở lại chốn phàm trần, chẳng hay việc tới thế nào, xin thầy cho biết.
- Ta có 8 câu kệ chỉ rõ trọn đời của ngươi, giống như lời sấm, rán mà nhớ lấy:
Mười năm chịu túng áo còn bâu,
Gượng gạo mua vui chớ chác sầu.
Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận,
Chờ xe vương giả rước về lầu.
Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc,
Chín chục dư ba buộc ấn hầu.
Mậu Ngũ chư Hầu trăm trấn phục,
Phong Thần chín tám bốn Xuân Thu.
Đức Nguơn Thủy ngâm kệ xong, nói:
- Bây giờ ngươi xuống trần, ngày sau cũng trở về núi.
Tử Nha lạy thầy, giã bạn, ra khỏi Cung Ngọc Hư, trở về trần...
Nguyên do có Phong Thần Bảng là do Tử Nha thay mặt Ngọc Đế lập bảng phong thần, chiêu an các oan hồn tử sĩ :
... Các trấn chư Hầu đồng tôn Võ Vương lên ngôi Thiên Tử, chấm dứt nhà Ân, mở ra nhà Chu, đại xá thiên hạ.
Tử Nha và Châu Công Đán sắp đặt các việc xong xuôi thì phò Võ Vương trở lại Tây Kỳ. Tử Nha tâu rằng:
- Tôi phạt Trụ đã xong, Bệ hạ dựng nghiệp nhà Châu đã yên, song còn mấy trăm người tử trận chưa được phong Thần, xin Bệ hạ cho tôi lên núi Côn Lôn ít bữa để lãnh sắc nơi Tôn Sư thi hành cho xong việc.
Khương Thượng tắm gội sạch sẽ, truyền đặt bàn Hương án, bên tả dựng Hạnh Huỳnh kỳ, bên hữu dựng Đả Thần tiên, mặc áo giáp, mở Sắc ra tuyên đọc cho các hồn nghe cho rõ:
"Hỗn Nguơn Giáo Chủ Nguơn Thủy Thiên Tôn ban sắc:
Hỡi ôi! Tiên phàm khác bậc, người không đạo đức khó thành, quỉ riêng phần, kẻ ở gian tà phải đọa.
Địa Tiên dầu rõ điều biến hóa, không lòng lành cũng mất lẽ trường sanh. Thiên Tiên tuy thông hiểu huyền quan, ra trận dữ cũng khó thành Chánh quả.
Các ngươi, tuy thông đạo cả, một điều không dập được lửa lòng, ra trận giao phong, sa trường bạc mạng; kiếm kẻ tôi ngay con thảo, vì trung nầy hiếu nọ bỏ mình; có người đức hạnh tiết trinh, bởi lẽ ấy tiết trinh hủy hoại; bị luân hồi báo oán, mắc nhân quả trả oan; nên ta chẳng an, động lòng phải thưởng.
Nay ban sắc cho Khương Thượng, thay mặt ta đứng phong Thần, từ 3 bậc 3 phần, phong vào 8 Bộ. Các ngươi khỏi luân hồi chịu khổ, một lòng cố báo bổ giúp đời, nếu có công được hưởng lộc Trời, bằng có lỗi sẽ bị oai sấm sét."
Việc Phong Thần chấm dứt, bá quan lui trở về triều.
Hôm sau, Võ Vương lâm triều. Bảy vị Thánh (Thất Thánh) gồm: Lý Tịnh, Mộc Tra, Kim Tra, Na Tra, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử và Vi Hộ, đồng quì tâu:
- Chúng tôi là người ở núi non, vâng lịnh thầy xuống giúp Bệ hạ. Nay đã thành công, chúng tôi xin trở về núi tu hành, còn việc phú quí, chúng tôi không muốn.
Võ Vương rất buồn rầu, nhưng biết không thể cầm giữ Thất Thánh được, nên truyền làm tiệc tiễn hành tại Trường đình. Võ Vương và Tử Nha gạt lệ chia tay cùng Thất Thánh.
Hôm sau, Võ Vương lâm triều phán:
- Hôm qua 7 vị về non, Trẫm buồn quá sức. Nay đến việc phong các tướng có công trận, Trẫm giao cho Thượng phụ và Ngự đệ Châu Công Đán thay mặt Trẫm làm cho công bằng.
Hai vị liền trở về dinh, bàn tính với nhau, rồi làm sớ tâu trình. Trong sớ xin truy phong cho ba vị Vương tổ: Thái Vương, Vương Quí, Văn Vương, đồng làm Thiên Tử. Châu Công Đán làm Lỗ Hầu cai trị nước Lỗ, Khương Thượng làm Tề Hầu cai trị nước Tề, vv . . .
Võ Vương truyền dời đô về phủ Tây An, huyện Hàm Dương. Sau đó, ban búa Việt cờ Mao cho Khương Thái Công về nước Tề an dưỡng tuổi già, được quyền chinh phạt các nơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Trân trọng cám ơn!