-->

2011-08-25

Nhân Quả Báo Ứng

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/6/files/2010/07/img1.jpg

http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2010/03/NhanQuaBaoUng.jpg

1. Làm quan thương dân, công đức rất lớn

Triều đại nhà Tần có một vị quan tên là Lâm Hạo, người tỉnh Phúc Kiến. Lần nọ, ông ta phụng mệnh vua đến tỉnh Thiểm Tây để xem xét công trình nạo vét lòng sông và ông đã tận mắt chứng kiến mấy vạn dân phu ngày đêm bị cưỡng bức nạo vét. Vì làm việc quá sức, một số dân phu phải bỏ mạng tại công trường, còn số người bị thương thì nhiều không kể xiết.

Tần Thuỷ Hoàng là một bạo chúa thời bấy giờ, nhưng Lâm Hạo không hề sợ hãi. Vì quan tâm đến những người dân lành, ông đã dũng cảm lên kinh đô để tường trình với hy vọng vua có thể cho phép các dân phu thay phiên nhau nghỉ ngơi và mời thầy thuốc đến chữa trị bệnh tật cho họ. Song Tần Thuỷ Hoàng ngu muội, không những không phê chuẩn mà còn định xử trị Lâm Hạo.

Lâm Hạo tuy là vị quan tốt thương dân như con đẻ nhưng cũng đành phải bó tay ngồi nhìn dân chịu khổ. Vì thế, lòng ông sinh ra phiền muộn, lâu ngày thành bệnh rồi chết.

Sau khi chết, hồn ông được đưa đến âm phủ. Vua Diêm La bảo ông rằng: “Nhờ sự cầu xin cứu mạng cho hàng vạn dân phu của ngươi nên ta cho ngươi được thọ thêm 50 tuổi.”

Nói xong liền ra lệnh bọn tiểu quỷ dẫn hồn ông trở lại dương thế. Lâm Hạo nhờ vậy mà được sống lại. Sau đó ông xin nghỉ hưu về quê sống ẩn dật cho đến lúc mất.

Lâm Hạo thương lo cho dân, việc dầu khó khăn đến đâu ông cũng cố gắng làm cho được, khiến cho hàng quỷ thần cũng phải kính phục. Nhân đó mà ông được tăng thêm tuổi thọ.

Cho dù mạng sống đã hết nhưng nhờ làm thiện có thể được sống lâu hơn, có thể chuyển nghèo thành giàu, mạng yểu thành trường thọ chỉ trong nháy mắt. Mới biết tất cả sự thưởng phạt của tạo hoá thật ra cũng đều do việc làm thiện ác của ta mà ra cả!

2. NGƯỢC ĐÃI CÔNG DỊCH, ÁC BÁO NHÃN TIỀN

Vào đời Lương Vũ Đế, ở huyện Vũ Xướng tỉnh Hồ Bắc có một vị quan huyện tên là Trương Huyền. Thường ngày ông ta rất ưa tác oai tác quái, mặc ý đánh đập, giết hại những người phu dịch. Chẳng hạn, ông ta thường đi thuyền tuần tra trên sông. Trong mỗi lần ấy, nếu chẳng may gặp phải sóng lớn thuyền bị chao đảo hoặc đi chậm lại, ông ta liền mắng những người phu thuyền là lơ đễnh, biếng nhác. Số người bị ông ta nhẫn tâm giết hại rồi quẳng xác xuống sông chỉ vì một chuyện nhỏ như vậy thật không sao tính hết.

Về sau, có một lần đang đi trên thuyền, sự cố tương tự lại xảy ra và ông ta lại giết thêm một số phu thuyền nữa. Trong lúc chuẩn bị rượu thịt để ăn uống, bỗng nhiên ông nhìn thấy một con quỷ dữ, tóc tai bê bết máu me nổi lên từ giữa sông rồi lao tới chộp lấy ông ta, kéo ra giữa dòng sông và dìm chết. Mọi người trên thuyền cũng đều nhìn thấy cảnh tượng ấy, bảo nhau rằng: “Đây quả là sự báo ứng về tội ngang ngược giết hại những người phu dịch hằng ngày của ông ta.”

Không có gió làm sao có sóng?

Không gieo nhân làm sao gặt quả?


Thân làm quan phụ mẫu, đã không nghĩ đến sự khổ cực của người dân, lại còn bạo ngược gây nhiều oán hận thì tránh sao được ác báo nhãn tiền?


Thông cảm, tha thứ ắt được phước báo

Vào thời nhà Minh, có vị đại thần tên là Hạ Nguyên Cát. Hôm nọ, ông ta thấy một viên quan do bất cẩn làm mực bắn vào tờ thánh chỉ của vua. Hạ Nguyên Cát biết anh ta quá sợ tội nên có thể tự sát, liền vội an ủi: “Anh đừng quá sợ hãi, tôi sẽ nghĩ cách giúp anh.”

Hôm sau, Hạ Nguyên Cát vào triều tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần sơ ý đã làm bẩn thánh chỉ, tội thần thật đáng chết.”

Hoàng thượng cười và nói: “Vậy ta phạt khanh chép lại một lần.”

Về sau, Hoàng thượng biết được sự tình, khen ông ta là người biết thông cảm, tha thứ cho thuộc hạ. Không bao lâu, Hạ Nguyên Cát lại được thăng làm Hữu thừa tướng. Thật là có lòng tốt cứu người ắt được phước báo.

Làm một người chủ, một người có quyền, nếu thường xuyên quan tâm giúp đỡ những kẻ thuộc hạ, biết dùng các phương tiện để khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì vị ấy tất sẽ được mọi người kính mến, dầu có gặp việc xấu cũng sẽ được hoá giải trở nên an lành. Đó chính là nhờ phước đức mà họ đã tạo vậy.

4. TRẢ LẠI TRÂM VÀNG, CỨU ĐƯỢC HAI NGƯỜI

Vào đời nhà Minh, có một thư sinh người ở Tô Châu tên là La Luân. Một hôm, anh ta cưỡi ngựa và dẫn theo một tiểu đồng cùng lên Nam kinh dự thi. Trên đường di, tiểu đồng cười nói rằng: “Hôm qua thật là vận may, con đã nhặt được chiếc trâm vàng ở trong rãnh nước trước nhà người kia.”

Sau khi La Luân hỏi rõ sự việc, lập tức lấy chiếc trâm vàng cưỡi ngựa quay trở lại để trả cho người bị mất. Khi đến nơi thì trời đã tối, từ ngoài đã nghe trong nhà có tiếng nhiều người khóc lóc. Đứa tớ gái vừa khóc vừa nói: “Con không có lấy chiếc trâm vàng đó.” Cô ta muốn nhảy xuống giếng tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình. Bà chủ cũng khóc lóc mà bảo: “Tôi không có dính líu trong vụ mất cắp này.” Rồi bà cũng đòi treo cổ tự tử để chứng minh mình vô tội. Sau đó, La Luân nghe tiếng đánh đập, chửi rủa của một người đàn ông nên liền lớn tiếng kêu cửa.

Người đàn ông ấy liền mở cửa bước ra. La Luân kể rõ cho ông ta nghe việc tiểu đồng của mình bắt được chiếc trâm trong rãnh nước. Người chủ bây giờ mới vỡ lẽ mọi chuyện và ăn năn nói rằng: “Cám ơn công tử đã kịp thời quay lại, nhờ vậy mà tánh mạng của vợ tôi và đứa hầu gái mới được bảo toàn.”

Hoá ra chiếc trâm bị rơi vào bồn rửa rồi theo dòng nước chảy đến bờ rãnh và tiểu đồng nhân đó lượm được. Do đó nên mới tạo ra sự nghi ngờ và hiểu lầm.

Sau đó La Luân tiếp tục đến Nam kinh dự thi và đã đậu trạng nguyên. Anh ta nhờ trả lại trâm vàng mà cứu được hai mạng người nên phước báo rất lớn. Đây quả là một sự khích lệ lớn lao cho những ai đã và đang làm việc thiện vậy.

5. HẠI NGƯỜI HÓA RA HẠI MÌNH

Vào đời nhà Minh, niên hiệu Chánh Đức, ở đảo Sùng Minh thuộc tỉnh Giang Tô, bốn mặt toàn là nước, Vương Đại là người chèo thuyền ở trên đảo.

Có một năm vào tháng bảy bỗng nhiên gió bão thổi đến. Do gió mạnh và kèm theo những đợt sóng lớn nên dân cư sống ở ven biển chết đuối rất nhiều, còn trên mặt biển các vật trôi nổi vô số. Vương Đại liền chèo thuyền ngược xuôi trên dòng nước dữ, nhưng mục đích của anh ta không phải là để cứu người mà để lo vớt các đồ vật quý giá, nên khi nhìn thấy một người con gái nổi trên mặt nước trong tình trạng hấp hối, tay ôm một chiếc rương nhỏ màu đỏ. Vương Đại nhìn thấy chiếc rương, nghĩ là vàng bạc ở trong đó nên liền nổi máu tham. Anh ta cho thuyền áp sát vào cô ta và đưa tay đoạt lấy chiếc rương mang về, mặc cho cô gái phải bị chết đuối.

Nhưng khi Vương Đại mở rương ra xem bỗng thấy bên trong chỉ có một tờ hôn ước giữa mình với cô ta. Lúc này Vương Đại mới biết người con gái đó chính là vợ chưa cưới của mình.

Về sau Vương Đại nhân chuyện này mà bị sự gièm pha của mọi người, từ đó sanh bệnh.

Vương Đại tham lam tài vật, thấy người sắp chết mà không cứu, vì thế vô tình đánh mất người con gái đã đính hôn với mình để rồi một thân côi cút buồn phiền, thiếu thốn mà chết.

Đây là sự báo ứng rõ ràng về đạo lý nhân quả, không thể sai khác.

6. LÀM THIỆN THÌ CON CHÁU ĐƯỢC HƯỞNG

Vào thời nhà Minh, tại huyện Duyên Bình tỉnh Phúc Kiến có một thương nhân họ Chúc lên Nhiễm, là người rất thành đạt trên đường kinh doanh và rất rộng lượng. Hễ người nào gặp phải khó khăn, cực khổ là ông la tận tuỵ giúp đỡ.

Có những năm mất mùa, người dân rơi vào tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thế là ông ta liền bỏ tiền của ra để cứu giúp mọi người.

Một năm nọ, trong khi con trai ông ta lên kinh dự thi thì ở nhà những người hàng xóm đều nằm mộng thấy cậu ta đỗ trạng nguyên. Và quả đúng như điềm mộng của mọi người, về sau con trai ông ta đã đỗ trạng nguyên. Do vậy ai ai cũng đều cho rằng: Người có lòng tốt chắc chắn sẽ có phước báo.

Ông Chúc Nhiễm cả đời dùng đức để làm thiện, con ông lại được thi đỗ trạng nguyên. Thế mới biết, người làm thiện được hưởng phước báo chẳng phải là chuyện hoang đường vậy.


7. Chiếm gia sản của người, chết không được yên

Ở huyện Tính Dương tỉnh Hà Nam có một người đang lâm trọng bệnh tên là Lưu Quân Tường. Khi biết mình sắp chết, anh ta liền gọi cậu em tên là Lưu Quân Kỳ đến và buồn bã trăn trối: “Vợ anh mất sớm mà con anh thì lại còn thơ dại, nên anh nhờ em giữ hộ gia sản và nuôi dạy cháu giúp anh. Dù anh có làm ma làm quỷ đi nữa cũng không bao giờ quên báo đáp ơn này.”

Nhưng ai ngờ Lưu Quân Kỳ đã không làm đúng theo lời phó thác của người anh mà lại còn bỏ bê cháu của mình đi lang thang ngoài các phố huyện, rồi một mình chiếm trọn toàn bộ gia tài của anh.

Năm năm sau, có người hàng xóm tên là Trương Thiện Tường trong khi đang làm việc vào ban đêm bỗng thấy Lưu Quân Tường hiện ra trước mặt đưa một bức thư và nhờ trao lại cho Lưu Quân Kỳ.

Trương Thiện Tường ngỡ mình gặp quỷ, sợ quá nên bất tỉnh Sau khi tỉnh lại, ông vội đem bức thư trao lại cho Lưu Quân Kỳ. Ba ngày sau chỉ thấy Lưu Quân Kỳ vừa luôn miệng kêu lớn “Mong anh tha tội chết” vừa đập đầu vào tường đến nỗi vỡ não mà chết. Vì thế những người hàng xóm mới biết: Đây là ác báo của sự vong tình bội nghĩa, quên mất tình thâm cốt nhục chỉ vì lòng tham.

Thật là một bài học đích đáng cho những kẻ bất nhân bất nghĩa.

8. NGƯỜI NHẪN NHỤC SẼ ĐƯỢC TRƯỜNG THỌ

Huyện Chuẩn An tỉnh Giang Tô có một người họ Cường tên Phú. Ông ta là một người hiền từ nhân hậu, đối đãi với mọi người rất ư độ lượng khoan dung.

Năm nọ, vào đêm giao thừa, bỗng ngoài cửa có một người lớn tiếng chửi mắng ông ta. Gia nhân thấy vậy rất tức giận toan mở cửa ra đánh nhưng ông ta ngăn lại và dạy rằng: “Do mừng năm mới, anh ta quá chén nên không tự chủ được bản thân. Vì vậy anh ta chưởi mắng người khác là chuyện bình thường, các ngươi không nên tranh cãi làm gì.”

Mặc dầu nghe theo lời dạy của chủ nhưng bọn gia nhân vẫn thấy tức giận và bất bình.

Ngay đêm hôm đó, ông Cường Phú nằm mộng thấy một vị thần đến trước mặt mình khen rằng: “Giao thừa là đêm quan trọng mà ngươi nhẫn được việc người khác khó có thể nhẫn. Vì thế trên trời rất tán dương, đặc biệt ban thêm phước thọ cho ngươi.”

Ông Cường Phú nhờ thường thực hành hạnh nhẫn nhục, biết khiêm nhường trong mọi việc, tuy trước mắt thấy bị thiệt thòi, song trên thực tế thì được lợi vô cùng. Về sau, ông ta hưởng tuổi thọ rất cao và con cháu cũng được giàu có. Đây thật là phước báo của người có hạnh nhẫn nhục vậy.

9. BÁN RUỘNG CỨU NGƯỜI ĐƯỢC LÀM QUAN THƯỢNG THƯ

Triều đại nhà Minh có một tú tài người huyện Lâm Hải, tỉnh Triết Giang, tên là Ưng Chí Nhân. Vào lúc nửa đêm, trong khi anh ta đang ngồi đọc sách, bỗng nghe bên ngoài cửa sổ có hai con quỷ nữ nói chuyện với nhau. Trong đó có một con nói rằng: “Nhà họ Châu ở phố trước có một nàng dâu, nhân vì người chồng đi xa đã 5 năm mà vẫn chưa về nên nàng bị bố chồng ép phải tái giá. Vì vậy, 10 ngày sau cô ta sẽ treo cổ tự tử. Tôi sẽ đến đó dẫn oan hồn của cô ta đi.”

Ưng tú tài tuy không tin, nhưng khi tìm hiểu liền thấy phù hợp với sự thật. Anh ta liền bán số ruộng của mình được 10 lạng bạc, lại viết thêm một bức thư đem qua đưa cho nhà họ Châu bảo là của người con gởi về. Ông bố thấy số bạc và lá thư tin là của con mình nên không còn ép nàng dâu tái giá nữa. Sau hơn một năm thì con trai ông ta trở về thật.

Ưng tú tài là người có lòng nhân hậu nên đã cứu sống dược một mạng người. Nhờ phước đức này mà về sau anh ta được nhà vua phong cho làm quan đến chức thượng thư.

Vậy kính khuyên mọi người chớ nên cho rằng hoạ phước là không có chứng cứ. Ưng tú tài mới làm một việc thiện mà đã cảm được phước báo như thế huống hồ là người hay làm thiện. Nên biết rằng mình làm thiện tất sẽ được trời cao ban phước.

10. LÀM THIỆN THAM DANH, DIÊM VƯƠNG KHÔNG THA

Ở Thượng Hải có anh chàng tên là Chu Tử Doãn. Hằng ngày, anh ta chỉ thích làm ra vẻ ta đây là người nhân hậu và rất ưa danh tiếng. Hễ có dịp làm việc thiện là anh ta đứng ra làm người đề xướng, còn mọi người thì luôn tin tưởng làm theo anh ta.

Nhưng sau đó, Chu Tử Doãn đột ngột bị bệnh rồi chết một cách đau đớn. Hai má của anh ta bị sưng tấy lên bầm tím trông rất đáng sợ. Mọi người thấy như vậy đều bàn tán xôn xao rằng: “Tại sao người thường làm thiện lại bị mắc quả báo đau đớn như vậy?”

Một lúc sau, bỗng thấy anh ta sống lại mà bảo với mọi người rằng: “Thật ra, hàng ngày tôi làm việc thiện chỉ vì hư danh chứ tôi chưa bao giờ thật lòng làm thiện cả. Nhân đấy mà Diêm Vương trách tôi giả mạo người thiện, tâm tham danh lợi, rồi sai bọn đầu trâu mặt ngựa đánh vào má tôi, tát vào má tôi, đến nổi khiến cho hai má của tôi bị sưng lên như vậy, lại còn phạt tôi sau khi trở về dương thế phải tự mình công khai nhận những tội lỗi mới có thể miễn đọa địa ngục và phải khuyên với mọi người rằng: Ở âm phủ quả thực có điện Diêm la.” Nói xong, anh ta liền chết trở lại.

Chúng ta ở trên dương gian thì có thể che dấu tội lỗi của mình, nhưng khi chết xuống âm phủ thì không thể nào trốn tránh. Vì thế, chúng ta phải nên thận trọng, chớ vì tham tiếng tốt mà không thật lòng làm thiện.

11. Mặt thiện tâm ác chết không được yên

Ở huyện Hội Khê thuộc tỉnh Triết Giang có một người tên là Ngô Tế Hữu. Cung cách cử chỉ hằng ngày của ông ta rất là nghiêm trang đạo mạo, vì thế mọi người đều cho rằng ông ta là một hiền nhân quân tử. Nhưng cả đời ông ta rất khốn khổ và thiếu thốn, nhất là lúc về già. Một hôm, ông ta đến hỏi một đạo sĩ rằng: “Cả đời của tôi chưa từng tạo tội lỗi, vậy tại sao ông trời lại bất công đối với tôi, hành hạ tôi suốt đời phải chịu khốn khổ như vậy?”

Đạo sĩ bèn đáp: “Cả đời của ông bên ngoài thì lúc nào cũng làm ra vẻ ta đây là người hiền lương nhân hậu nhưng bên trong chỉ toàn là tâm niệm hiểm ác. Tuy mọi người không biết nhưng trời biết, ông trời đang và sẽ tiếp tục trừng trị về những tội lỗi của ông. Nếu như ông rộng làm phước đức với một tấm lòng chân chính thì trời mới có thể miễn bớt hình phạt cho ông.”

Nhưng Ngô Tế Hữu đã không nghe theo lời khuyên của đạo sĩ mà vẫn ngoan cố giả dạng là một hiền nhân và âm thầm làm các việc xấu ác. Cuối cùng mọi người cũng phát hiện ra ông ta là kẻ giả dối nên đã xa lánh. Thế rồi Ngô Tế Hữu xấu hổ, uất ức mà chết.

Vậy kính khuyên những người làm thiện chớ nên dối lòng, bởi vì đạo trời rất công bằng, báo ứng rất phân minh, không nên cho rằng hoạ phước, báo ứng là chuyện mờ mịt để rồi phô bày điều thiện mà che đậy những điều xấu ác. Nếu làm như vậy thì sẽ không tránh khỏi sự trừng trị của luật nhân quả.

12. TÂM NHIỀU VỌNG TƯỞNG THÌ SẼ PHÁT BỆNH

Triều đại nhà Thanh có vị quan lớn tên là Quách Tử Nguyên. Do ông không được hoàng đế trọng dụng nên buồn phiền mà sanh bệnh. Một hôm, ông ta đến hỏi một vị cao tăng để cầu xin ngài chỉ rõ nguyên nhân bệnh tình của mình.

Vị tăng dạy rằng: “Ông tuy đọc sách vở thánh hiền nhưng vọng tưởng quá nhiều nên sinh ra phiền não. Thí như nhớ sự vinh nhục của mấy mươi năm qua, đó là vọng tưởng về quá khứ của ông. Việc trước mặt ông lại sợ trước sợ sau, vẫn còn nghi ngờ không dám quyết định, đây là vọng tưởng ở hiện tại của ông. Mơ mộng công danh phú quý, con cháu thịnh vượng, đây là vọng tưởng về tương lai. Hiện nay, tình trạng của ông như vậy là vì mỗi ngày từ sáng đến tối trong tâm của ông lúc nào cũng vọng tưởng điên đảo, không giây phút nào nghĩ đến việc thiện thì tự nhiên toàn thân phát bệnh. Nếu như ông có thể buông bỏ hết tất cả các vọng tưởng đó thì thân thể ông sẽ trở nên khoẻ mạnh và được trường thọ.”

Nghe xong lời khai thị của lão tăng, Quách Tử Nguyên cảm thấy hổ thẹn và xin cáo từ. Từ đó, ông ta dần dần buông bỏ các vọng tưởng.

Quả nhiên, căn bệnh của ông ta cũng tiêu mất theo vọng tưởng. Kể từ đó, ông sống một cuộc sống thanh thản, tự tại cho đến cuối đời.

Chỉ cần chuyển đổi niệm ác thành niệm thiện thì đã giống như chuyển địa ngục thành thiên đường rồi, huống hồ có thể làm cho tâm được thanh tịnh thì ngay lập tức ở đó chính là thiên đường.

Vậy những điều bổ ích, lợi lạc như thế, tại sao chúng ta không làm?

13. HÃM HẠI NGƯỜI TỐT QUỶ THẦN KHÔNG THA

Vào thời nhà Minh, có vị quan giữ chức giám sát ngự sử tên là Lưu Khí Chi. Ông ta là một người thanh liêm chánh trực, thường hay vạch tội những vị quan lớn nên bị nhiều người thù ghét.

Về sau, ông bị người hãm hại, bị đày đến đảo Hải Nam ở tỉnh Quảng Đông. Cùng thời gian này, Lâm Cường là một kẻ thù địch với ông cũng được phái đến đảo Hải Nam để làm quan. Nhân cơ hội này, Lâm Cường quyết định giết chết Lưu Khí Chi để báo thù.

Không ngờ ngay hôm Lâm Cường đến nhận chức thì đêm đó nằm mộng thấy ác quỷ đến đánh đập mình, rồi qua hôm sau bèn hộc máu mà chết. Lưu Khí Chi cũng nhân đấy mà được thoát nạn.

Người có tâm chánh thì thiện khí tích tụ và sẽ được trời giúp, cho nên có thể chuyển nguy hiểm thành bình an. Còn người có tâm ác thì tà khí nhóm họp, ắt sẽ cảm với tà yêu, rốt cuộc sẽ gặp tai họa. Đây là một chân lý nhất định.

Vậy kính khuyên mọi người nên cố gắng làm thiện, tích phước để có được những quả báo tốt đẹp trong hiện tại cũng như tương lai.

14. LÀM NHIỀU VIỆC THIỆN CON CHÁU ĐƯỢC GIÀU CÓ

Triều đại nhà Thanh có một vị tiên sinh tên là Đậu Vũ Quân. Mặc dầu ông đã gần 50 tuổi mà vẫn chưa có người con nào cả. Một hôm, ông nội của ông về báo mộng và khuyên ông ta rằng: “Con nên cố gắng làm các việc thiện, tương lai không những được trường thọ mà còn giàu có và sẽ sanh được năm người con trai.”

Kể từ đó, ông ta ra sức làm việc thiện trong suốt nhiều năm. Quả nhiên vợ chồng ông sanh được năm người con trai. Về sau, ông nội của ông lại báo mộng một lần nữa và khuyên ông ta nên làm thêm nhiều việc thiện thì con cháu mới được hưởng. Nghe theo lời khuyên, ông liền đem hết tài sản trong gia đình ra cứu giúp cho những người nghèo khổ, rộng làm những việc phước đức.

Sau này, người con trai trưởng của ông được làm quan đến chức thượng thư, bốn người còn lại cũng được làm các quan chức lớn trong triều. Không những chỉ 5 người con trai mà cả tám đứa cháu nội của ông cũng đều được làm quan và giàu có cả.

Mặc dầu con cháu đã có công danh phú quý, song Đậu Vũ Quân vẫn tự mình luôn làm các việc thiện, không hề dừng nghỉ. Mãi đến năm tám mươi tuổi ông ta mới qua đời trong một trạng thái nhẹ nhàng, thanh thoát. Quả như lời tục nói rằng:

Tổ tiên đời trước làm lành,

Đời sau con cháu hưởng phần giàu sang.

Đậu Vũ Quân là một người tích đức sâu dày, con cháu nhờ đó mà được giàu sang phú quý và chính ông cũng được trường thọ.

Qua đó, chúng ta thật không thể không tin nhân quả.

15. Có lòng cứu vật sẽ được phước báo

Triều đại nhà Tống có một anh chàng tên là Tống Giao. Một hôm, anh ta đến nhờ ông thầy xem tướng số bói cho anh một quẻ trước khi lên kinh dự thi. Ông thầy tướng số chế giễu mà bảo anh rằng: “Ngươi là một kẻ hèn hạ, vì thế đừng nên mơ mộng công danh.”

Song, Tống Giao không hề thoái chí. Sau 5 năm, cuối cùng anh ta cũng đậu trạng nguyên. Thế là anh ta trở lại tìm ông thầy tướng số, vì muốn cho ông ta biết rằng việc xem tướng của ông lúc trước đã hoàn toàn không đúng, vậy mà còn dám khinh thường chế giễu anh ta.

Nhưng khi ông thầy tướng thấy anh ta đến liền hỏi: “Không biết trong mấy năm qua anh đã làm được những việc thiện gì mà tướng trạng của anh bây giờ đã thay đổi hoàn toàn so với lần trước anh đến đây?”

Tống Giao liền đáp: “Năm trước, sau một trận mưa lớn, tôi đã cứu sống hàng vạn con kiến, châu chấu... khỏi bị nước cuốn chết.”

Sau khi nghe xong, thầy tướng mỉm cười nói rằng: “Tôi rất vui mừng và kính trọng việc làm của anh. Cái bản chất hèn hạ của anh xưa kia đã biến thành tướng mạo giàu sang quyền quý. Thế nào anh cũng được thăng tiến trên đường công danh. Anh nên biết: sanh mạng của các loài vật như kiến, châu chấu, giun dế... cũng giống như mạng sống của con người. Bởi thế, công đức cứu mạng của anh đã khiến cho tướng mạo, cốt cách của anh thay đổi nhanh chóng. Vậy kính chúc anh gặp nhiều may mắn.”

Về sau, quả nhiên Tống Giao được làm một chức quan lớn trong triều. Quả đúng như lời tục nói rằng: “Phước đức sâu dày có thể xoay chuyển trời đất”.

Tống Giao có lòng từ bi cứu sống hàng vạn sanh mạng. Việc làm tuy nhỏ nhưng phước đức rất lớn. Chính nhờ phước đức đó mà anh ta được tướng mạo đoan trang, cốt cách phi phàm.

Do đó, chúng ta có thể biết được: phước đức luôn đến với những ai làm thiện và những kẻ làm ác chắc chắn sẽ bị trừng phạt.

16. GIẾT VẬT TÀN NHẪN HẠI ĐẾN CON CHÁU

Ở Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang có một người con gái rất hung ác, tánh ưa sạch sẽ. Vì thế, các loại côn trùng như chuột, gián... ở trong nhà đều bị cô ta tìm cách giết sạch. Ngoài ra, ở sân trước, sân sau hễ chỗ nào có giun dế, châu chấu, muỗi, ruồi... cô ta cũng tìm cách giết hết, không để sót một con nào thì mới hài lòng. Cô ta đã giết hại vô số sanh mạng của các loài nhỏ bé và lấy đó làm niềm vui.

Sau này, cô ta lấy chồng và sanh được một người con trai. Nhưng đứa bé này toàn thân mọc đầy mụn nhọt. Cô ta đã mời nhiều thầy thuốc giỏi đến chữa trị, song tất cả đều bó tay. Bệnh này còn tiết ra một chất ngọt nên khiến cho vô số các loài trùng kiến, muỗi, ruồi kéo đến. Vì thế, cô ta suốt ngày phải ngồi đuổi chúng. Cô ta rất đau lòng về chứng bệnh kỳ lạ của con mình. Sau một thời gian, cậu con trai chết, cô ta nhân đó mà phát điên.

Mọi người thấy vậy bảo nhau rằng: Đây là sự báo ứng ngay trong đời hiện tại về tội giết hại các sanh mạng nhỏ bé của cô ta.

Cô gái này giết hại đã quen thành tánh, chẳng có chút lòng từ bi. Cô ta đâu biết rằng mọi con vật cũng đều biết đau khổ, cũng biết yêu quý mạng sống của nó, giống như tình thương của cô ta đối với người con trai của mình vậy.

Những người hiểu biết đều cho rằng: Cô ta mang nghiệp sát sanh quá nặng, đúng lý phải tuyệt tử tuyệt tôn, nhưng nỗi đau mất con và sự nổi điên cũng là một quả báo thích đáng về những việc làm của cô ta trong đời hiện tại.

Người đời ai mà chẳng thương con, nhưng nếu chúng ta đem tình thương đó trang trải đến với mọi loài thì cũng chính là che chở cho đứa con thân yêu của mình. Xin mọi người hãy suy nghĩ cho kỹ và làm theo lời khuyên này.

17. TUYỆT ĐƯỜNG CON CHÁU DO CHIẾM MỘ NGƯỜI

Vào đời nhà Đường, ở huyện Kiến Âu thuộc tỉnh Phúc Kiến có một kẻ lưu manh tên là Lâm Đạt. Anh ta nghe mọi người đồn rằng sở dĩ con cháu nhà họ Trần được giàu sang là nhờ phần mộ của tổ tiên họ chôn trúng chỗ huyệt rất tốt.

Thế là anh ta tìm cách lén đào ngôi mộ tổ tiên nhà họ Trần lên rồi đem quan tài của cha mình đặt vào trong đó. Trong lòng anh ta nghĩ rằng: “Từ nay trở đi, dòng họ của mình sẽ tha hồ được vinh hoa phú quý.”

Nhưng ngay đêm hôm đó, người cha quá cố của anh ta về báo mộng và quở trách anh ta: “Con đã vì cha, vì dòng họ mà đào mồ mả tổ tiên của người khác nên Diêm Vương phạt cha phải bị đoạ xuống 18 tầng địa ngục và phạt con phải bị tuyệt tử tuyệt tôn, chết không được yên ổn.”

Lâm Đạt tuy không tin điềm mộng song sự thật đã khiến cho anh ta phải đau khổ sợ hãi. Đó là, không bao lâu sau đứa con trai anh bị người khác đánh chết, đứa con gái treo cổ tự tử, còn người vợ lại ngoại tình đi theo kẻ khác. Thấy tình cảnh như vậy, anh ta cuối cùng cũng treo cổ tự vận ngay trên cây đại thọ ở trước ngôi mộ mà anh đã đào trộm.

Bởi vậy, mọi người đều nói rằng: Đây là sự báo ứng rất đích đáng về tội lỗi của anh ta đã tạo nên.

Lời tục nói rằng: “Địa lý phong huyệt vốn là đạo trời, nếu người nào không thuận theo đạo trời thì tuy chỗ đất có tốt nhưng khi chôn vào cũng trở thành xấu.” Lâm Đạt thường làm những việc lợi mình hại người, lại còn chiếm đoạt phần mộ tổ tiên của người khác. Đối với những hành vi vô đạo đức như thế thì làm sao mà hưởng được phước đức giàu sang?

18. BỐ THÍ TÍCH ĐỨC CON CHÁU ĐƯỢC GIÀU SANG

Vào đời nhà Đường, huyện Kiến Đức thuộc tỉnh Triết Giang có một người chủ trì việc xét xử ở nha phủ tên là Thích Lộ. Ông là một người liêm chính nhân hậu, thường hay làm việc bố thí tích thiện. Đối với những người phạm tội, ông ta hết lòng khuyên răn, giúp đỡ, rất nhiều người nhân đó mà được bảo toàn mạng sống và đã bỏ ác làm lành.

Một hôm, có vị huyện trưởng nửa đêm bỗng thấy nhà của ông Thích Lộ phát sáng, ánh sáng chiếu khắp cả một vùng trời. Sau khi huyện trưởng tìm hiểu nguyên do mới hay là vợ của Thích Lộ vừa sanh được một bé trai và toàn thân đứa bé phát ra ánh sáng rất kỳ diệu.

Huyện trường hiếu kỳ liền đích thân đến để xem cho thoả mãn. Khi nhìn thấy đứa bé, ông ta tỏ ra kính trọng mà khen ngợi rằng: “Đứa bé này tuy còn nhỏ nhưng đã có tướng giàu sang quyền quý. Đây chính là nhờ phước đức làm thiện của cha mẹ mà có được.”

Sau này cậu bé lớn lên quả nhiên thi đỗ liền tam nguyên và được phong làm quan đến hàng nhất phẩm. Cha mẹ cậu ta cũng hưởng được vinh hoa phú quý.

Ở đời, những người có quyền hành, chức tước mà biết bố thí, làm thiện, giúp đỡ kẻ nghèo khổ, cũng như Thích Lộ thanh liêm chánh trực, biết thương yêu dân thì chắc chắn sẽ được mọi người kính mến, phước thọ dồi dào và con cháu cũng nhờ đó mà được giàu sang hạnh phúc.

Vậy kính khuyên mọi người nên cố gắng làm thiện, chớ cho rằng đó là những điều mơ hồ, viễn vông.

19. Tâm địa hẹp hòi không được phước báo

Triều đại nhà Tấn có vị quan lớn tên là Từ Thủ Liêm. ông là một vị quan thanh liêm chánh trực, cần cù và tiết kiệm, nhưng mãi đến năm sáu mươi tuổi mới có được một đứa con trai. Không may, người con trai của ông mắc phải bệnh đậu mùa mà chết sớm. Vì thế, đêm nào ông ta cũng đốt hương cầu xin thần linh cho vợ chồng ông ta sanh một đứa con trai khác để có người nối dõi tông đường.

Một hôm, trong lúc ông đang ngủ bỗng có vị thần đến báo mộng và quở trách ông ta rằng: “Ngươi tự mình giữ gìn thanh liêm, chỉ biết lo danh dự của mình mà không chịu ra sức cứu giúp cho những người khác trong khi họ gặp hoạn nạn. Lòng ngươi luôn có sự ngờ vực nên những việc đáng làm lại không làm, bởi thế rất nhiều người nhân đó mà bị hại. Trong lòng ngươi chỉ nghĩ đến việc tư mà không chịu cứu giúp dân chúng cho nên Diêm Vương phạt ngươi phải bị tuyệt tử tuyệt tôn. Sao ngươi lại còn oán trách?”

Từ đó, ông ta hối hận về những sai lầm của mình đã mắc phải, nhưng đến khi hối hận thì đã quá muộn.

Thông thường, con người chỉ biết về những việc thiện của họ mà họ không nghĩ về những lỗi lầm, sai trái của chính mình. Quả báo thiện ác như hình với bóng nhưng không cố định. Bởi vậy, nếu ai đã lỡ gây tội lỗi mà biết siêng năng tu tạo phước đức, rộng làm việc thiện thì có thể bù đắp cho những tội lỗi đó mà chuyển hoạ thành phước.

20. GIÚP NGƯỜI NGHÈO KHÓ SẼ CÓ ĐIỀM LÀNH

Vào đời nhà Thanh, ở huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô có một phú ông tên là Ngô Nghi Tam. Mặc dù ông là người giàu có nhiều của cải nhưng lại không có đứa con trai nào để thừa kế cả. Bỗng một hôm, có vị hoà thượng đến nhà ông ta và khuyên rằng: “Ông nên làm nhiều việc thiện thì nhất định sẽ có con cháu đầy nhà.”

Kể từ đó, ông ta bắt đầu làm các việc thiện, cố gắng tu tạo phước đức. Ông ta không những bố thí gạo cơm cho những người nghèo ở các cửa thành mà lại còn mở các tiệm thuốc mời những danh y đến phát thuốc cứu giúp cho mọi người, cho xây dựng các nghĩa trang, bố thí quan tài. giúp đỡ tiền bạc cho các gia quyến để họ lo chôn cất người thân, tặng vàng bạc để giúp những người nghèo lúc họ có việc cần, trợ giúp cho những thân bằng quyến thuộc nghèo khổ, xây dựng trường học miễn phí... Nói chung, phàm hễ có dịp làm việc thiện là ông ta liền bỏ tiền của, công sức ra làm không hề tiếc rẻ.

Về sau vợ chồng ông sanh liền được ba cậu con trai và đến khi trưởng thành cả ba người con này đều được làm quan trong triều, trở nên giàu có.

Thử hỏi ở đời có ai cho mình chỉ toàn là thiện mà không hề có tội lỗi? Bởi vậy, Văn Xương Đế Quân có nghiên cứu về công và tội để so sánh, ông ta cho rằng: “Công nhiều là thiện, tội nhiều là ác.”

Ngô Nghi Tam hết lòng làm thiện nên liên tục sanh được ba cậu con trai. Đây thật là phước đức quả báo khiến cho con cháu thịnh vượng, dòng tộc được rạng rỡ.

21. CỨU MỘT CON CHIM HƯỞNG PHƯỚC BA ĐỜI

Vào thời nhà Nguyên, ở phía đông núi Tuyết có một cậu bé tên là Dương Bảo. Trong một lần đang chơi đùa, cậu ta bỗng thấy một con chim sẻ màu vàng rất đẹp đang bị thương nằm trên đất. Cậu ta liền đem về nhà, hết lòng nuôi dưỡng. Sau một thời gian chăm sóc chu đáo, vết thương của chim đã lành hẳn. Cậu ta liền trả tự do cho nó bay đi.

Hôm nọ, Dương Bảo nằm mộng thấy một tiên đồng mặc áo màu vàng hướng về phía mình lạy tạ mà nói rằng: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, hôm trước đang trên đường đi đến Bồng lai tiên cảnh thì gặp nạn, may mà được cậu cứu giúp. Trên trời cảm động ơn đó nên sẽ ban phước cho gia đình cậu, trong ba đời con cháu sẽ được làm quan và được hưởng vinh hoa phú quý.”

Đến năm Dương Bảo sáu mươi tuổi thì con trai là Dương Thần, cháu nội là Dương Bỉnh và chắt là Dương Tứ đều đã được làm quan và giàu có. Dương Bảo nhớ lại sự việc đã qua liền đốt hương bái tạ trời cao.

Nhà nào tích phước chắc chắn sẽ được hạnh phúc, sẽ được phước báo. Như Dương Bảo từ nhỏ đã biết làm thiện, bồi đức nên phước đức rất lớn, quả báo cũng chẳng phải nhỏ.

Nên biết luật nhân quả rất công bằng, hễ người nào làm lành thì được phước đức, còn người làm ác phải gặp tai ương. Đó là lẽ đương nhiên.

22. VỊ QUAN THƯỜNG LÀM MƯỜI ĐIỀU THIỆN

Vào đời nhà Minh, ở Trung Quốc có một vị quan rất nhân từ độ lượng, tên là Dương Tuần. Trong suốt mười năm trời, ông ta thường làm mười điều thiện để cứu giúp mọi người. Mười điều thiện đó là:

1. Có vụ án nào oan ức, quyết làm sáng tỏ.

2. Thâu nhận trẻ mồ côi không nơi nương tựa rồi thuê người nuôi dưỡng.

3. Tặng gạo thóc cho những người già, trẻ em nghèo khổ.

4. Cấp phát thuốc men miễn phí.

5. Cấp quan tài cho những người nghèo khổ qua đời.

6. Tặng quần áo, vải lụa cho các cô gái nghèo khi lấy chồng.

7. Tự mình không giết hại mà còn phóng sanh các loài vật.

8. Mua gạo thóc cứu giúp người già, người tàn tật trong những năm mất mùa.

9. Sửa cầu cống, khai thông đường xá.

10. Cấp tiền đi đường cho những người nghèo khổ ở phương xa.

Dương Tuần càng làm thiện càng phấn khởi và cảm thấy an vui. Nếu hôm nào không có việc thiện để làm thì cảm thấy trong lòng bứt rứt khó chịu. Cậu con trai ông nhờ đó mà được cảm hoá nên học tập càng tiến bộ và về sau thi đỗ trạng nguyên.

Kính khuyên mọi người nên làm nhiều việc thiện để tích phước đức cho hiện tại cũng như tương lai. Đừng thấy lợi trước mắt mà chạy theo các việc ác. Nhân quả báo ứng sẽ không tha thứ cho bất cứ kẻ nào làm ác cả. Bởi vậy chúng ta phải nên thận trọng trong mỗi việc làm.


23. Chế giễu người hiền phải chịu quả báo

Tại huyện Hào Châu thuộc tỉnh An Huy có một thanh niên tên là Tô Lan Đình. Anh là con trai duy nhất trong gia đình nên được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng hết mức. Từ sự chiều chuộng đó khiến cho anh ta trở nên hư hỏng, mặc sức làm theo ý mình.

Nhưng anh ta chẳng bao giờ thích làm các việc tốt mà chỉ thích làm những việc xấu ác. Hễ thấy người làm thiện anh ta liền mắng chửi, cho đó là kẻ tâm ý giả dối. Thấy những thơ sách, kinh kệ thì cho đó là những lời nói bậy bạ để lừa bịp thiên hạ. Thấy người niệm Phật tu hành thì cho là việc mê tín dị đoan.

Năm anh ta ngoài ba mươi tuổi thì cha mẹ qua đời. Nhưng anh ta vẫn quen thói chơi bời lêu lổng nên cuộc sống lâm vào cảnh hết sức túng thiếu, nghèo khổ. Tuy vậy, anh ta vẫn thích ngao du đây đó để trêu chọc, quấy phá, làm cho mọi người phải nổi giận. Một hôm, anh bỗng mắc một chứng bệnh rất quái dị, thân thể càng ngày càng bị co rút lại nên mọi người cho đó là điều kỳ lạ; lại thấy toàn thân anh ta mọc đầy lông màu vàng trông giống như một người chó. Sau đó, vào một đêm, anh ta cởi hết quần áo lăn lộn trên mặt đất. Sau một trận gào thét bi ai, anh ta bỏ đi thẳng vào trong núi. Từ đó trở đi, không ai còn thấy anh ta nữa.

Người xưa có dạy:

Thiện là nguồn gốc của mọi điều phước.

Nói ít là quý, nói nhiều sẽ sai.

Tô Lan Đình làm việc bất lương, lại thường chế giễu, cản trở người làm việc thiện bằng những lời nói rất ác độc nên bị trời trách phạt. Đây là một bài học nhằm răn đe đối với những kẻ hay chế giễu người khác làm việc thiện.

24. HUYNH ĐỆ TÌNH THÂM XẢ MẠNG CỨU GIÚP

Vào mùa hè năm Hàm Ninh đời Tấn Vũ Đế, bệnh dịch tả tự nhiên lây lan khiến cho người chết không sao kể hết. Bởi thế rất nhiều người phải phiêu bạt khắp nơi để tránh sự lây nhiễm. Khi đó, có ba anh em nhà họ Canh đều đã lớn tuổi. Người anh đầu do nhiễm phải bệnh mà chết, mới đưa vào quan tài thì người anh kế cũng bị nhiễm bệnh phải nằm liệt giường, chỉ còn người em út là chưa bị nhiễm.

Bọn gia nhân thấy vậy sợ bị truyền nhiễm vội bỏ đi hết, còn lại người em út không chịu đi. Ông ta nhất quyết ở lại để hầu hạ cơm cháo, thuốc thang cho người anh. Mọi người đã nhiều lần đến thôi thúc ông ta nên nhanh chóng rời khỏi nơi chết chóc này, nhưng ông ta vẫn một mực không chịu đi.

Sau hơn mười ngày đêm chăm sóc anh, người em út không hề ngủ nghỉ và đến lúc này bệnh dịch tả cũng đã giảm xuống, ông ta cũng nhờ đó mà thoát nạn. Những việc làm của người em út rất được mọi người trong huyện khen ngợi và tán thán. Từ đó về sau, họ đều đối xử với ông ta hết mực tôn kính.

Làm lành thế nào cũng được hưởng an vui, còn làm ác chắn chắn sẽ gặp tai ương. Sanh khởi tâm thiện dầu là chưa làm nhưng sự may mắn đã theo người đó rồi, huống hồ là người hay làm thiện. Người em út xem trọng tình nghĩa nên bất chấp mọi nguy hiểm của dịch bệnh để ở lại giúp đỡ anh. Tình cảm anh em thâm sâu như vậy thật đáng khen ngợi.

Thử hỏi lòng người ngày nay làm sao có thể sánh được với người xưa. Thời nay, rất nhiều gia đình anh em vì chút tiền tài danh vọng mà hãm hại lẫn nhau, mất hết tình thâm cốt nhục. Thật đáng hổ thẹn vậy!

25. BẤT KÍNH VỚI ANH BỊ TRỪNG PHẠT

Tại huyện Lâm Đồng thuộc tỉnh Hà Nam có Ân Phú và Ân Thích là hai anh em. Người anh giàu sang có nhiều của cải, còn người em thì nghèo khổ túng thiếu, vì thế mà người em thường đến nhà anh để xin tiền.

Có một lần, vì lý do nào đó mà người anh không cho tiền, người em bèn mắng chửi người anh là giàu có mà keo kiệt, bất nhân.

Rồi một hôm, người em đi chơi ở miếu Thành Hoàng và ngủ lại trong miếu. Giữa đêm, anh ta bị ông thần miếu sai bọn quỷ vô thường đè ra đánh đến 100 trượng. Đánh xong, cái mông của anh ta bị sưng phù lên bầm tím, đau nhức vô cùng.

Thần miếu lại bảo rằng: “Việc làm của ngươi chẳng khác loài súc sanh, nếu còn chửi mắng anh ngươi một lần nữa thì ta sẽ đánh 200 trượng.”

Ân Thích tỉnh dậy, nghĩ đến sự trừng phạt của ông thần miếu mà ớn lạnh, liền tìm đến nhà người anh kể hết đầu đuôi sự việc và thề từ nay trở đi không dám mắng chửi anh, dù vì bất cứ lý do gì. Từ đó, anh ta thực sự cải tà quy chánh.

Người biết đủ tuy nghèo mà giàu, người không biết đủ tuy giàu mà nghèo. Người nhiều tham muốn thì càng tăng thêm tội lỗi, vì thế mà khổ não cũng nhiều; còn người ít tham muốn thì luôn luôn được tự tại an vui. Nếu người nào đã gây ra những tội lỗi thì phải nên cấp tốc mà sửa đổi. Chúng ta nên biết rằng: “Chỉ một ý tưởng thiện dù nhỏ nhoi cũng có thể chuyển họa thành phước.”

26. OÁN THÙ NÊN GIẢI KHÔNG NÊN KẾT

Triều đại nhà Tống, ở Hàng Châu có một thư sinh tên là Trương Vân Phi. Anh ta là một người tin hiểu Phật pháp. Mỗi ngày anh ta tụng một quyển kinh Kim Cang trong suốt mấy năm trời.

Vào một đêm nọ, có vị thần đến báo mộng với anh ta rằng: “Kim Quân Đinh Tiểu Đại là oan gia đời trước của ngươi, không bao lâu anh ta sẽ đến giết ngươi để trả mối thù đời trước.”

Quả đúng như điềm mộng, không lâu sau đó Kim Quân đến Hàng Châu và tìm gặp Trương Vân Phi. Trương Vân Phi tiếp đón niềm nở và hỏi Kim Quân: “Anh có phải là Đinh Tiểu Đại không?”

Kim Quân kinh ngạc liền hỏi lại: “Làm sao anh lại biết tên tôi?”

Trương Vân Phi đáp: “Đã có một vị thần đến mách bảo với tôi, vì thế tôi rất vui vẻ và chấp nhận trả món nợ đời trước của hai chúng ta. Vậy anh hãy giết tôi đi.”

Đinh Tiểu Đại vô cùng cảm động liền suy nghĩ: “Tại sao ta lại không hoà giải mà cứ gây oán thù qua lại để làm khổ cho nhau?” Nghĩ rồi, anh ta quyết định không giết Trương Vân Phi nữa mà hai người lại kết nghĩa huynh đệ với nhau. Thật là một nghĩa cử nhân từ, cao thượng đã chuyển được oán thù thành tình bạn.

27. Phá kinh hoại tượng ắt bị quả báo

Trong thời gian trị vì thiên hạ, vua Lương Võ Đế là một người mộ đạo tin Phật. Lúc ấy, ở Tô Châu lại có một người rất phản đối đạo Phật, bởi anh ta cho rằng đạo Phật là đạo mê tín. Vì thế anh ta đem các kinh Phật xé thành giấy vụn rồi đốt, lại đem các tượng Phật bằng gỗ, bằng đồng cưa nhỏ ra từng mảnh, khắc thành các vật dụng, đồ trang trí v.v... để bán lấy tiền.

Một hôm anh ta uống rượu say, phá phách ở trong một quán rượu và lớn tiếng chửi rằng: “Lương Võ Đế là một ông vua ngu muội, chẳng biết quản lý việc triều chính, lại bắt người dân nộp tiền, đóng thuế để xây dựng chùa miếu, bóc lột tiền lương của nhân dân để nuôi dưỡng hàng nghìn hàng vạn tăng ni.”

Có người đến báo với vua Lương Võ Đế, ông liền ra lệnh cho các võ tướng truy bắt anh ta. Ngay đêm hôm đó, anh ta nằm mộng thấy có người đến báo rằng: “Nhà ngươi cưa tượng Phật, đốt phá kinh sách, thế nào cũng mắc quả báo bị chém đầu.”

Giật mình tỉnh dậy, anh ta hoảng sợ, nhưng vẫn không tin điềm mộng. Sáng sớm hôm sau, anh ta bị bắt dẫn ra giữa chợ để chém đầu. Khi đó, anh ta mới hối hận cho mình đã không tin Phật, không tin nhân quả. Song lúc này mà hối hận thì đã quá muộn.

Than ôi? Oai linh của Đức Phật như vậy làm sao mà không kính, không tin cho được? Phá hoại tượng Phật cũng giống như làm thân Phật chảy máu, tội này rất nặng, khó mà tránh khỏi quả báo, dù chết cũng chưa hết tội. Xem sự hiển linh như vậy, chắc chắn không phải là lời nói dối mà là chuyện có thật.

Vậy kính khuyên mọi người, muốn làm việc gì trước phải nên cân nhắc nghĩ đến hậu quả.

28. THẤY CHẾT KHÔNG CỨU, DIÊM VƯƠNG CHẲNG THA

Tại huyện Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, hôm nọ có bọn cướp đột nhập vào một nhà giàu và cướp đi vô số vàng bạc, châu báu cùng với rất nhiều vải lụa gấm vóc khác. Sau đó, chúng dồn hết số gấm lụa vào một cái bao lớn rồi đem về bán ở một vùng nông thôn với giá 5 lạng bạc.

Có một người tên là Lý Phú Quý thấy vậy liền xuất tiền ra mua, vì ông ta biết rằng với số lượng gấm lụa này có thể bán lại được khoảng 50 lạng bạc. Nhưng không lâu sau, quan phủ phát hiện ra vật chứng ngay trong nhà của ông Lý. Thế là ông Lý bị nghi là kẻ cướp nên ông bị dẫn lên phủ và phải chịu sự đánh đập tra tấn của nha phủ. Ông ta một mực kêu oan và nói rằng: “Tôi không phải kẻ cướp, tôi chỉ là người mua lại. Nếu quý vị không tin thì có thể gọi ông chú họ của tôi đến làm chứng.”

Quan phủ liền cho gọi người chú lên, nhưng ông này sợ bị phiền phức nên khi đến nơi liền chỉ mặt ông Lý mà nói rằng: “Tôi không quen biết gì với ông cả. Ông đúng là một kẻ cướp.”

Thế là Lý Phú Quý phải bị bọn nha phủ đánh chết vì không chịu nhận tội.

Ngay đêm hôm đó, người chú họ nằm mộng thấy một con quỷ, tóc tai bê bết máu me lao đến dùng hai tay bóp cổ ông ta mà nói rằng: “Ngươi thấy chết mà không chịu cứu nên Diêm Vương sai ta đến bắt ngươi xuống để đối chất.”

Khi đó, ông ta liền lớn tiếng kêu cứu. Bọn gia nhân nghe vậy liền hốt hoảng chạy đến thì đã thấy ông ta trợn mắt mà chết trông rất đau đớn.

Kinh Dịch dạy rằng: “Người nào làm ơn, làm phước chính là đã mở đường cho mọi sự tốt lành đến, còn người nào làm ác chính là tự đón lấy các tai hoạ vào mình.”

Khi thấy có người gặp nguy hiểm, nếu không cứu là bất nhân, còn sợ bị phiền phức mà nói dối là bất nghĩa. Mà những kẻ bất nhân, bất nghĩa như thế thì chắc chắn phải chịu sự trừng phạt của nhân quả. Thật là thiện ác có sự báo ứng rõ ràng!

29. LÀM ÁC GẶP ÁC

Vào thời nhà Tống, ở huyện Sơn Tây thuộc phủ Đại Đồng có một anh chàng giao liên tên là Ngô Nhân Hưng. Trách nhiệm của anh ta là cưỡi ngựa qua các huyện để gửi công văn.

Có lần trên đường đi qua một tỉnh ở phương bắc, anh ta nghỉ lại ở một trạm canh gác. Nhân vì người canh gác tiếp đãi không chu đáo nên anh ta nổi giận. Vì muốn thỏa sự tức giận, anh ta bèn bứt các thứ cỏ có độc bỏ vào trong giếng rồi cưỡi ngựa đi tiếp. Nước giếng vì thế mà bị ô nhiễm nên không dùng được, đành phải bỏ hoang.

Vào tháng bảy năm sau, nhằm lúc khí trời oi bức, anh ta lại đi qua và dừng nghỉ ở trạm này một lần nữa. Vì nước giếng bị nhiễm độc nên người canh gác đã dời đến một nơi khác. Lúc ấy, quá khát nước nên anh ta liền thả thùng xuống giếng múc nước lên uống một cách rất tự nhiên. Song, anh ta đâu biết rằng nước giếng này đã bị ô nhiễm và vô số trùng độc đã sinh sản đầy trong đó. Bởi thế, khi anh ta vừa uống vào thì mặt mày tái xanh, liền ói mửa trở ra, sau đó hôn mê bất tỉnh. Vì trạm gác này đã bị bỏ hoang nên không có ai để cứu giúp anh ta cả. Do đó, anh ta bị nằm phơi dưới nắng mà chết. Quả thật là việc ác mình làm trở lại hại mình!

Chúng ta nên biết rằng: Tâm làm chủ bản thân, bởi thế, người có tâm thiện thì cuộc sống sẽ trở nên lương thiện, còn người có tâm xấu ác thì cuộc sống sẽ rất ác độc. Vậy người nào muốn biết mình gặp hoạ phước tốt xấu thế nào thì hãy tự hỏi lại lòng mình.

Ngô Nhân Hưng là người có tâm địa độc ác, vì muốn hại người nên phải gặp tai ương. Nhiều người ở đời thường cho rằng đạo trời thì mù mịt, thiện ác thì không chứng cứ. Thật là những người có mắt mà cũng như mù nên mới nói ra những lời sai trái như vậy.

30. CỨU NGƯỜI NGUY CẤP CÔNG ĐỨC RẤT LỚN

Ở thành Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam có một người rất giàu có và nhân hậu, tên là Chu Thừa Ân.

Vào một buổi sáng đẹp trời, trong khi đang đi dạo thì ông ta bỗng nghe ở dưới chân cầu có tiếng nhiều người khóc lóc rất thê thảm. Khi đến đó, ông thấy có hai vợ chồng và một người con. Nguyên vì gia đình quá nghèo không đủ tiền trả nợ, mà chủ nợ lại thuê bọn lưu manh đến để đòi. Vì vậy, họ chỉ còn cách chọn con đường chết. Trước khi cùng nhau gieo mình xuống nước tự vận, họ ôm nhau lần cuối và khóc kể thảm thiết đến như vậy.

Thấy cảnh tượng này, Chu Thừa Ân động lòng thương mới bảo họ rằng: “Thôi, anh chị đừng quá đau buồn nữa, tôi xin trả món nợ đó giúp anh chị.”

Thế là ông ta theo họ về lại gia đình. Khi đến nơi, thấy có rất nhiều tên lưu manh đang ngồi chờ sẵn trong nhà của vợ chồng người ấy, Chu Thừa Ân bước vào ôn tồn hỏi: “Gia đình này thiếu nợ quý vị nhiều hay ít?”

Một tên trong bọn đáp: “Đúng 100 lạng bạc, không thiếu một xu.”

Chu Thừa Ân liền lấy ngân phiếu 100 lạng bạc đưa cho bọn lưu manh. Sau khi bọn chúng đi rồi, hai vợ chồng kia mới cầu xin Chu Thừa Ân cho họ được làm tôi tớ để đền đáp lại thâm ân cứu mạng, nhưng Chu Thừa Ân bảo họ: “Đời người khi sanh ra chỉ hai bàn tay trắng, đến khi chết đi cũng chẳng mang được gì cả. Anh chị đừng có bận lòng, bây giờ tôi giúp anh chị, có lẽ đó là kiếp trước tôi đã mắc nợ anh chị nên kiếp này phải trả, vậy thôi.”

Nói xong ông cười ha hả rồi cáo từ.

Chu Thừa Ân làm việc thiện với một tấm lòng từ bi nhân hậu, với nguyện vọng sao cho mọi người, mọi nhà được hưởng sự ấm no hạnh phúc mà không cần sự báo đáp. Chính nhờ phước báo này mà về sau ông được trường thọ, con cháu trong năm đời đều được hưởng giàu sang phú quý.

31. HIẾU DƯỠNG MẸ BẠN LÀ MỘT NGHĨA CỬ CAO THƯỢNG

Sử Đỗ Hoàn là một thư sinh ở huyện Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam. Anh ta có một người bạn đang làm quan huyện ở Giang Tây, Cửu Giang tên là Thường Doãn Cung.

Nhưng đã nhiều năm hai người không liên lạc được với nhau. Vào một buổi chiều thu. Đỗ Hoàn đang ngồi đọc sách trong khi bên ngoài mưa gió không ngớt, bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Anh ta ra mở cửa thì thấy một bà lão toàn thân ướt sũng, khi nhìn kỹ lại anh ta mới nhận ra liền hỏi: “Bà chẳng phải là mẹ của Thường Doãn Cung đây sao?”

Bà lão trả lời: “Thằng Doãn Cung con của lão đã chết rồi nên bây giờ lão không còn nơi để nương tựa, chỉ còn biết đến đây mong nhờ vào cậu.”

Đỗ Hoàn thấy vậy ân cần mời bà ở lại, đối đãi chăm sóc như người mẹ ruột. Vì sống một mình lại không còn cha mẹ nên Đỗ Hoàn xin được nhận bà cụ làm mẹ nuôi. Khi bà cụ bị bệnh, anh ta phụng dưỡng cơm cháo thuốc thang rất chu đáo. Đến khi bà cụ qua đời, anh ta cũng chịu tang như mẹ ruột của mình vậy. Bởi thế mọi người đều khen ngợi anh ta là người trọng nghĩa.

Vậy kính khuyên mọi người nên noi gương theo lòng tốt của Đỗ Hoàn để sống cho phải đạo làm người và nên biết rằng: Hoạ phước đều do lòng người sanh ra, nên cũng do lòng người mà diệt đi. Bởi thế, chúng ta không nên làm các việc ác mà nên làm những việc thiện thì cuộc sống của mình sẽ tránh được những hoạ hoạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Trân trọng cám ơn!