Phượng hoàng trong tứ linh của người Á Đông
(trích từ wikipedia.com)
Phượng hoàng nguyên thủy là các con chim trong thần thoại của người dân khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Trước đây, con trống được gọi là Phượng còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn và Phượng cùng Hoàng đã được trộn lẫn vào nhau thành một thực thể giống cái, gọi là phượng hoàng, để cho nó có thể ghép cặp với long (rồng), là con vật mang ý nghĩa của giống đực. Người Hán thường sử dụng thành ngữ "Con cháu rồng" như là dấu hiệu của việc nhận dạng theo chủng tộc.
Phượng hoàng còn được gọi là "côn kê"? do đôi khi nó được dùng thay cho con gà trong Can Chi. Tại thế giới phương Tây, chẳng hạn như người nói tiếng Anh, gọi nó là Chinese phoenix (phoenix cũng được dịch sang tiếng Việt là phượng hoàng, mặc dù nó là con vật thần thoại không có khái niệm tương đương trong văn hóa của người Việt) hay ho-oh bird (từ tiếng Nhật hō-ō).
Trong văn hoá phương Đông nói chung và Phong Thủy nói riêng, con phượng có ý nghĩa rất đặc biệt và sánh ngang với rồng. Nó là con vật linh thiêng nằm trong bộ Tứ Linh, tượng trưng cho hoàng hậu, người mẹ. Phượng còn là biểu tượng của tâm linh phương Đông với ý nghĩa sức mạnh siêu phàm huyền bí. Phượng đại diện cho quẻ Ly, mang lại Dương khí, sự quật khởi, ý chí, công danh, tài lộc và quyền lực. Phượng bằng đồng mang nguyên khí Kim, trong vận 8 là cát khí đem lại sự may mắn về danh tiếng, tình duyên, tài lộc...
Miêu tả phổ biến là chim phượng hoàng đang tấn công con rắn bằng móng vuốt của nó với đôi cánh dang rộng. Người ta tả chim phượng hoàng với các đặc điểm sau: đàu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá, với 5 màu và cao 6 thước. Nó tượng trung cho 6 thiên thể mà ngày nay có thể hiểu nôm na là: Đầu là trời, mắt là mặt trời, lưng là mặt trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh. Lông của nó đại diện cho màu sắc của Ngũ hành: đen, trắng, đỏ, xanh và vàng.
Phượng, hay Phượng hoàng, Phụng, là một trong 4 tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các nước Á Đông khác. Phượng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vẩy cá chép, móng chim ưng, đuôi công... Các bộ phận của phượng đều có ý nghĩa của nó: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế phượng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc.
Hình ảnh về phượng hoàng đã xuất hiện tại Trung Quốc cách đây trên 7.000 năm, thông thường trong các miếng ngọc và trên các tôtem (vật tổ) may mắn. Nó là tôtem của các bộ lạc miền đông thời cổ đại ở Trung Quốc. Các thuyết ngày nay cho rằng nó có thể là hình ảnh đại diện cho một loài chim lớn thời tiền sử, tương tự như đà điểu, khá phổ biến ở Trung Hoa tiền sử.
Trong thời kỳ nhà Hán (khoảng 2.200 năm trước), phượng hoàng được sử dụng như là biểu tượng của hướng nam, được thể hiện dưới dạng con trống (phượng) và con mái (hoàng) quay mặt vào nhau. Nó cũng được sử dụng để biểu thị cho hoàng hậu (hay các phi tần) khi trong cặp đôi với rồng là biểu thị của vua hay hoàng đế. Nó đại diện cho quyền lực mà Thượng đế ban cho hoàng hậu. Nếu hình ảnh phượng hoàng được sử dụng để trang trí nhà cửa thì nó là biểu tượng cho lòng trung thành và sự trung thực của những người sống trong ngôi nhà đó.
Phượng hoàng có ý nghĩa tích cực. Nó là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương. Theo truyền thuyết, nó xuất hiện trong thời kỳ hòa bình và thịnh vượng nhưng không có khi thời kỳ tăm tối sắp đến. Tại Trung Hoa thời cổ đại, có thể tìm thấy hình ảnh của phượng hoàng trong các trang trí của các đám cưới hay của hoàng tộc, cùng với rồng. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phượng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà đẹp. Điều này là do người Trung Quốc coi rồng và phượng (hoàng) là biểu tượng cho quan hệ hạnh phúc giữa chồng và vợ, một kiểu ẩn dụ khác của âm và dương.
Các truyền thuyết về Phượng Hoàng
Tôn giả A-Nan thuật rằng: Một hôm trên núi Kỳ-Xà-Quật thuộc thành Vương-Xá, có một lần nọ, tôi đã từng nghe đức Phật nói về tiền kiếp của Ngài như vầy:
Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như-Lai làm chim Phượng-hoàng chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua. Nhưng bỗng một ngày kia Phượng-hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót thanh tao, khiến cho Phượng-hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng-hoàng yêu kiều diễm lệ kia. Nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng-hoàng chúa phải chiều lòng để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng-hoàng chúa phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng Phượng-hoàng tình nhân.
Lúc bấy giờ Hoàng-hậu thành Vương-Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hột thuốc, nhưng bệnh tình Hoàng-hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng-hậu bị cơn bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng-hoàng chúa mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Khi thức giấc, Hoàng-hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu vua rằng: "Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng-hậu, thì chỉ còn có cách là ăn thịt chim Phượng-hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh".
Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: "Ai bắt được chim Phượng-hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa làm vợ".
Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng-hoàng chúa với hy vọng được trọng thưởng và làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm cách bắt cho được Phượng-hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng-hoàng chúa và nàng Phượng-hoàng tình nhân.
Gã thợ săn này biết rằng con Phượng-hoàng chúa không dễ gì bắt được nó. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế, lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta. Ðồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền.
Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời, chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm mồi, thì Phượng-hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon ngọt cho tình nhân. Khi Phượng-hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng-hoàng nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất mừng rỡ tự nhủ rằng: "Ðỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy! Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu quý của ta nữa!"
Chẳng ngần ngại, Phượng-hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn ngại ngùng e sợ, Phượng-hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng-hoàng kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy. Nhưng đã quá chậm rồi. Phượng-hoàng run rẩy van xin: "Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy. Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho".
Gã thợ săn đáp: "Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa với ta sao chớ?"
Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng-hoàng đem về dâng nạp lên vua. Ðược chim Phượng-hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh làm thịt nấu cho Hoàng-hậu ăn để hết bệnh.
Phượng-hoàng chúa thưa: "Muôn tâu Thánh-thượng! Thánh thượng là bậc chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng sống của Hoàng-hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy. Nhưng tâu Thánh-thượng, tôi vốn biết bùa phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng-hậu ra khỏi ngặt nghèo mà không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh-thượng tin thương, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho Hoàng-hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng-hậu lành bệnh, xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng". Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến.
Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng-hậu uống và tắm nước linh phù xong, thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng-hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước. Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó không còn nữa. Ðược tin Hoàng-hậu bình phục như thường, từ trong thành nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui.
Sau khi Hoàng-hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng-hoàng. Nhà vua muốn giữ Phượng-hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả Phượng-hoàng về với núi rừng, khi Hoàng-hậu lành bệnh. Trong lúc đó, Phượng-hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không, nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mải bận vui với Hoàng-hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng-hoàng nữa.
Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng-hoàng còn tâu với vua lần chót rằng: "Muôn tâu Bệ-hạ! Ðể trả ơn Bệ-hạ tha sống, xin Bệ-hạ cho phép tôi được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ được tiêu trừ". Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được lành bệnh ngay.
Phượng-hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng-hoàng nói lớn lên rằng: "Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi. Kẻ thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ-hạ".
Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng-hoàng với dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng-hoàng liền nói tiếp: "Chư Phật đã từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi. Tôi vốn là vua của loài Phượng-hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi điên.
Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú. Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai.
Còn Bệ-hạ được một danh y cứu sống Hoàng-hậu, cứu bệnh tật muôn dân, đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ-hạ để cho danh y ấy ra đi không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ-hạ chỉ biết vui với Hoàng-hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được Hoàng-hậu vui vẻ bên vua. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng-hậu. Thế có phải Bệ-hạ là kẻ điên thứ ba không?" Nói xong, Phượng-hoàng cất cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc.
Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: "Người thợ săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Ðề-Bà Ðạt-Ða. Còn Hoàng-hậu đòi ăn thịt chim Phượng-hoàng kia chính là tiền thân vợ của Ðề-Bà Ðạt-Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá-Lợi-Phất. Chim Phượng-hoàng chính là tiền thân của Như-Lai đây vậy".
Ðức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta đã phát tâm tu Bồ-Tát hạnh, hành Bồ-Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân. Chẳng qua vì một niệm si mê đắm sắc dục tình mà ta đã phải lụy thân làm kiếp con Phượng-hoàng.
Tại một khu làng nọ, có một người đàn ông nghèo khổ kiếm sống bằng nghề săn bắn. Hàng ngày, với một cung tên và vài mũi tên giắt trên lưng, anh ta vào rừng săn thú. Hôm săn được con nai, hôm săn được con thỏ, có hôm không săn được con nào. Cha mẹ đã lần lượt qua đời, anh bữa đói bữa no, một mình thui thủi trong túp lều tranh xiêu vẹo. Anh không có bạn và cũng không có người yêu. Dân trong làng ít ai màng đến một kẻ nghèo rớt mồng tơi ba đời như anh. Những cô gái không thèm đếm xỉa đến anh. Những chàng thanh niên không bao giờ han hỏi anh được một câu. Vì vậy, anh tự xem mình là một kẻ đã bị quên lãng và xa lánh những hội hè quây quần trong làng. Không ai nhọc lòng vì anh, người ta chỉ biết là sáng sớm anh lên rừng, chiều tà anh quay về, tối đến anh ở biệt trong túp lều. Hôm nào bẫy được con thú chi kha khá thì anh mới đem đi đổi lấy gạo và muối. Sống một cuộc đời cô đơn, những đêm anh bịnh, nằm rên hừ hừ, chỉ có bầy muỗi vi vo thương cảm.
Những kẻ nghèo đói thường hay mơ ước bắt được vàng để đổi đời. Anh thợ săn của chúng ta cũng không ngoại lệ. Đêm đêm, dưới ánh trăng ngà, anh lâm râm khấn nguyện. Anh mong có được một căn nhà rộng rãi, khang trang với một hồ nhung nhúc những con cá mập mạp và một sân vườn chật ních với những con vịt béo phì. Anh mong có được một cô vợ đẹp và ngoan. Anh mong có được những đứa con kháu khỉnh. Anh mơ nhiều lắm và xin nhiều lắm, nhưng dường như ông trời ở xa quá nên bấy lâu nay, tay trắng anh vẫn hoàn trắng tay.
Một hôm, như thường lệ, hừng đông vừa ló dạng, anh thui thủi lên rừng. Đi tới một con suối nhỏ, anh đặt một cái lờ bắt cá, định bụng chiều về sẽ có vài con cá nướng muối ăn cơm. Đoạn anh đi nhặt nhạnh vài nhánh cây đã chết khô để tối về có củi nhóm lửa thổi cơm và sưởi ấm. Đang loay hoay siết chặt những nhánh cây thành một bó, bỗng anh nghe đâu đây có tiếng kêu cứu. Ngẩng đầu lên nhìn quoanh quất, anh ngạc nhiên khi không thấy người nào hết, mà chỉ thấy dưới một thân cây cổ thụ bị ngã, một con chim phượng hoàng đang giãy giụa, thoi thóp.
Chim phượng hoàng kêu lên:
- Anh ơi, xin hãy cứu tôi! Tôi bị thân cây đè từ hừng đông đến giờ, tôi đau đến chết mất, mai mà có anh đi qua. Anh làm ơn cứu tôi, tôi sẽ không bao giờ quên ân sâu nghĩa nặng này!
Trố mắt ngạc nhiên và có phần hốt hoảng vì lần đầu tiên thấy một con vật biết nói tiếng người, anh thợ săn run run tiến đến gần phượng hoàng. Mắm môi mắm lợi nâng thân cây lên, anh gắng sức gồng trong khi chim phượng hoàng lê người ra.
Khi thoát chết rồi, phượng hoàng bảo:
- Anh thợ săn tốt bụng kia, anh đã cứu thoát tôi. Để đền ơn, tôi xin nguyện làm bất cứ điều gì anh sai khiến.
Anh thợ săn lau mồ hôi trán, nhìn phượng hoàng rồi rụt rè hỏi:
- Phượng hoàng biết nói tiếng người, ắt biết phép mầu nhiệm, phải không?
- Vâng, tôi biết
- Tôi là một kẻ rất nghèo, vì vậy, nếu phượng hoàng có phép màu, xin hãy cho tôi thật nhiều vàng bạc!
Phượng hoàng gật đầu, đáp:
- Được! Tôi sẽ cho anh nhiều vàng bạc. Anh có còn muốn gì thêm nữa không?
- Tôi rất cô đơn. Tôi muốn có một người vợ đẹp và ngoan hiền. Điều này không biết phượng hoàng có thể giúp tôi nổi không?
Phượng hoàng nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:
- Anh hãy nhắm mắt lại!
Anh thợ săn tuân theo.
Khi anh mở mắt ra, trước mặt anh là một cô gái đẹp tuyệt trần. Cô gái mỉm cười và cất tiếng nói trong trẻo:
- Như thế này hẳn vừa ý anh rồi nhỉ?
Anh thợ săn đỏ bừng mặt, lắp bắp:
- Xin lỗi, cô là ai?
- Tôi chính là chim phượng hoàng đây. Nếu anh không ngại, tôi xin suốt đời ở cạnh để chăm sóc cho ân nhân của tôi.
Thế là từ đó, phượng hoàng về sống bên anh thợ săn. Đúng như lời hứa, phượng hoàng trao cho anh nhiều vàng bạc. Có tiền, anh xây một căn nhà rộng, đào một ao cá sâu, nuôi một sân đầy vịt. Người trong làng kháo nhau chuyện anh làm giàu chỉ một nhưng chuyện anh có một cô vợ đẹp như tiên tới mười. Bỗng chốc, từ một kẻ vô danh tiểu tốt không ai đếm xỉa tới, anh thợ săn trở thành một người được trọng vọng trong làng. Những cô gái đua nhau liếc mắt đưa tình với anh. Những chàng thanh niên thì tranh nhau bắt chuyện. Anh đã không còn lẻ loi nữa. Người trên kẻ dưới trong làng, ai nấy cũng cảm thấy hãnh diện mỗi khi được anh giơ tay chào một cái, dù chỉ là một cái vẫy tay chào rất bình thường. Từ một tên mạt rệp một bước nên một kẻ giàu có nhất nhì trong làng, những gì anh ước nguyện giờ đã có trong tay. Thế nhưng, anh thợ săn của chúng ta vẫn cảm thấy hụt hẫng.
Ai cũng bảo anh ta thật may mắn có được người vợ đẹp chim sa cá lặn và lại hiền hậu, đoan trang. "Có một cô vợ như thế, hẳn anh không màng đến cái chi chi nữa nhỉ?", người ta hay bảo anh. Anh chỉ cười mà không đáp. Vâng, phượng hoàng quả là một người vợ ít ai sánh bằng, nhưng bù vào những sự nổi bật của nàng là một điều mà Thượng Đế đã ban cho những người đàn bà khác, nhưng lại không cho nàng.
Đó là quyền mang nặng đẻ đau của một người phụ nữ. Nàng không thể sinh sản.
Ban đầu, vì bận choáng ngợp với sự lên đời bất thình lình, anh thợ săn đã không để ý đến chuyện đó. Anh cho là mình đã quá hạnh phúc và không cần đòi hỏi gì thêm nữa. Nhưng một thời gian sau, anh bắt đầu khao khát được có con. Anh muốn có vài đứa con trai để cùng chúng săn bắn, để bảo ban, nuôi dưỡng. Anh muốn được nhìn thấy chính anh nơi các con của mình. Anh muốn có người nối giòng, nối giống. Nhìn những đứa trẻ ngây ngô con nhà hàng xóm, lòng anh quặn thắt khi nghĩ tới phận mình suốt đời không thể nào có con. Tại sao ông Trời thương anh mà không thương cho trót? Nguyền rủa đấng tối cao, anh ngày một đâm ra chán nản. Nhà cao, cửa rộng không còn làm cho anh hãnh diện. Cô vợ xinh tươi, nết na không còn làm anh vừa lòng. Cuộc đời một kẻ lắm của thừa cơm là như vậy, họ nhìn chén cơm đầy nhưng thiếu miếng cá là ăn không ngon miệng, trong khi chén cơm đó là cả một bát vàng đối với một gã ăn xin.
Biết chồng thất vọng vì nhược điểm duy nhất của mình, nàng phượng hoàng một mực chiều chuộng anh thợ săn nhiều hơn. Được thể lấn lướt, anh ta trở nên quá quắt. Vin vào cái cớ "đời không còn gì để sống", anh dìm mình trong rượu chè, cờ bạc, hút sách và gái.
Đồng tiền kiếm được một cách khó khăn thì người ta mới biết quí. Đằng này, gia sản của anh thợ săn đều do một tay phượng hoàng ban cho, vì thế anh không biết tiếc khi vung tiền qua cửa sổ mua vui. Bên những ả đào mơn mởn, huynh đệ ba hoa và rượu thịt phủ phê, anh thợ săn đã không còn nhớ cái thuở hàn vi đặt lờ bắt từng con cá. Anh đã không còn nhớ những đêm khuya lạnh lùng đơn chiếc không một vòng tay dịu dàng ấp ôm. Anh đã không còn nhớ kẻ mang ơn không phải là chim phượng hoàng, mà chính là anh.
Tiền bạc tiêu pha một cách nhanh chóng, trong chớp mắt, trong túi anh không còn một khoen. Thế là anh ra lệnh cho phượng hoàng làm phép màu biến ra thật nhiều vàng để anh phung phí tiếp. Trong nước mắt van lơn một cách vô ích, nàng phượng hoàng đau khổ chuyển người, hóa thành nguyên dạng chim phượng hoàng và rứt từng cọng lông đỏ rực từ thân mình xuống. Mỗi một cọng lông hóa thành một thỏi vàng sáng chóa.
Đối với một kẻ đã lâm vào con đường trụy lạc thì bao nhiêu tiền bạc ăn xài cũng thiếu. Những thỏi vàng biến đi nhanh như chúng đã đến. Thoạt đầu là vài tuần, sau thì cứ vài ngày là anh bắt phượng hoàng phải đưa vàng cho anh. Có nhiều hôm, nàng uất ức, nhất quyết không chịu đưa, thế là anh nổi đóa, nhảy chồm lên, đánh đập tàn nhẫn cho đến khi nàng đưa vàng ra mới thôi. Trong cơn tuyệt vọng và nhức nhối, nàng ước chi năm xưa, nàng bị cây cổ thụ đè chết còn hơn là bây giờ, bằng sự tàn nhẫn của chồng, nàng sẽ phải chết dần chết mòn theo năm tháng.
Sự đau khổ của phượng hoàng tưởng chừng đã lên đến tột đỉnh thì anh thợ săn đường hoàng đem về nhà một cô vợ thứ.
- Nàng đừng có nhìn tôi như thế! Tôi cần người nối dõi mà nàng thì đời kiếp nào sẽ sanh được cho tôi một thằng cu!?! Gắng mà sống cho hòa thuận với vợ sau của tôi đấy!
Bàng hoàng trước sự trơ trẽn của chồng, của người mà từ trước đến nay nàng đã ngậm đắng nuốt cay để đền ơn đáp nghĩa, trong câm nín, phượng hoàng khóc những giọt nước mắt nóng hổi.
Nàng biết đã đến lúc mình cần phải làm chuyện mà trái tim bao lâu nay không cho phép.
Sáng hôm sau, trong lúc rửa mặt, anh thợ săn bỗng giật bắn người khi nghe tiếng gọi giật ngược của cô vợ thứ từ phòng ngủ của phượng hoàng.
"Con chim phượng hoàng khốn nạn, chưa gì mà đã giở trò ma mãnh để uy hiếp vợ sau của tao! Nó quên nó không phải là con người. Đúng là đồ súc vật! Để tao đập cho mày một trận chừa cái tật đỏng đảnh!" Sôi ruột sôi gan, anh xông ra, lăm lăm trong tay cây chổi quét nhà, định bụng đánh phượng hoàng một trận đòn nhớ đời.
Trước mắt anh, người vợ thứ đang đứng yên, trong tay cầm một lá thư, hai mắt thị dán chặt vào những dòng chữ trên giấy. Nét chữ của phượng hoàng. Không thấy bóng dáng phượng hoàng đâu, chỉ thấy dưới đất một đống tro tàn. Bên trong đám tro là một vật gì đó nho nhỏ đang thoi thóp. Anh thợ săn bước đến, nhìn xuống. Trái tim anh thắt lại.
Truyền thuyết của loài chim phượng hoàng hiện lên trong trí anh.
---
Truyền thuyết nói rằng, loài chim phượng hoàng khi chết đi sẽ biến thành một ngọn lửa tự thiêu cháy mình.
Và, từ trong đống tro tàn ấy, một sinh linh mới sẽ được chào đời.
Nhắc đến sự bất tử và tái sinh, người ta không thể không nhắc đến 1 loài chim chỉ có trong truyền thuyết: Phượng Hoàng. Phượng Hoàng là sự kết hợp các đặc điểm xinh đẹp nhất của nhiều giống chim: đầu gà, chiếc cổ cao của chim hạc, và bộ đuôi thướt tha rực rỡ của loài công. Tiếc rằng chúng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người.
Truyền thuyết phương Đông và phương Tây đều mô tả Phượng Hoàng là một loài chim kì diệu. Ngoài việc có thể mang những vật có khối lượng lớn hơn trọng lượng của mình nhiều lần, nước mắt còn có tác dụng chữa lành các vết thương. Phượng Hoàng sở hữu một tiếng ca du dương, có tác dụng thần diệu về tinh thần, giúp người nghe bình tâm và lấy lại can đảm. Máu và thịt phượng hoàng có thể giúp con người trường sinh bất tử. Lông phượng hoàng được sử dụng như 1 loại bùa hộ mệnh hoặc vũ khí lợi hại để chống lại cái ác.
Phượng Hoàng là sinh vật bất tử. Vòng đời của chúng không bao giờ kết thúc. Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu (không dưới 500 tuổi), phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân. Và, từ trong đám tro tàn, nó sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non. Vì khả năng tái sinh này mà phượng hoàng là biểu tượng của cả sự sống và cái chết.
Vì thiêng liêng cao quý nên loài chim này thường sống trên những ngọn núi cao, xa xôi mà con người không thể vươn tới. Nếu có ai đó muốn tìm được chúng để mưu cấu sức mạnh hoặc sự bất tử sẽ phải vượt qua những thử thách chết người. Tuy là một sinh vật thuần khiết, chỉ ăn trái cây, nhưng vì dễ dàng đọc được ý nghĩ của người ta, nên khi phượng hoàng phát hiện kẻ đến tìm có mưu đồ xấu, nó sẽ vươn dài những móng vuốt cực kỳ sắc bén để chống trả đến cùng. Ngược lại, với những người tốt cần hỗ trợ, chỉ cần chứng tỏ được long quyết tâm bằng cách vượt qua chặng đường cam khổ, tìm được tổ phượng hoàng, nó sẽ ân cần và hết long giúp đỡ.
Chỉ có 1 khác biệt nhỏ về ngoại hình và tính cách của phượng hoàng Tây và Đông phương.
Phượng hoàng Trung Hoa có bộ lông ngũ sắc thướt tha, và tính cách cao quý thanh lịch (có phần yểu điệu). Loậi chim này chia làm 2 loại, con trống gọi là “phượng”, con mái gọi là “loan”, chính vì vậy, phượng hoàng (tức là vua của loài) là con chim trống đầu đàn.
Còn phượng hoàng của phương Tây ( Phoenix ) lại có bộ lông màu lửa, vàng rực và tính cách bộc trực, thẳng thắng, có phần nóng nảy. Chim lửa trong các truyện cổ tích Nga cũng là dạng phượng hoàng này.
Chính vì thường tượng trưng cho điềm lành và sự cao quý, nên từ thời xa xưa, người ta thường gắn hình ảnh phượng hoàng lên các kiến trúc cung đình lăng mộ và những đồ trang sức quý giá chỉ giành cho các bậc đế vương.
Cố Nhân Sinh Thời Cố Nhân Oán- Thiên Thu Đa Sầu Oán Biệt Ly- Trung Sinh Thời Tự Nhân Duyên Kết- Hỷ Phúc Do Thiên Định Nhân Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Trân trọng cám ơn!