Máu người có cấu tạo như thế nào ?
+ Máu là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương.
+ Máu gồm 2 thành phần : tế bào và huyết tương
• Tế bào gồm : hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu
- Hồng cầu : vận chuyển oxy (chiếm khoảng 96%).
- Bạch cầu : một phần quan trọng của hệ miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt các tác nhân gây nhiễm trùng và phát động đáp ứng miễn dịch của cơ thể (chiếm khoảng 3%).
- Tiểu cầu : tham gia quá trình đông cầm máu (chiếm khoảng 1%). Trong trường hợp vết thương nhỏ, tiểu cầu nhanh chóng tạo nút tiểu cầu bịt kín nơi chảy máu và khởi động chuỗi phản ứng đông cầm máu. Người bình thường có khoảng 150.000 – 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu.• Huyết tương gồm nhiều thành phần như kháng thể, yếu tố đông máu, các chất dinh dưỡng, …
Nguyên nhân nào dẫn tới thiếu Tiểu Cầu ?
- Do bị các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét…), nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi…).
- Các bệnh có lách to (xơ gan, cường lách). Các bệnh tự miễn (ban đỏ rải rác, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp).
- Các bệnh về máu (suy tủy xương, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư nơi khác xâm lấn vào tủy xương,thiếu máu tiêu huyết tự miễn…). Đặc biệt thù điều trị bằng hóa trị, xạ trị…, bệnh nhân ung thư thường dễ bị suy tủy, dẫn tới thiếu máu, đặc biệt là thiếu tiểu cầu.
Thiếu tiểu cầu có nguy hiểm không ?
- Thiếu tiểu cầu dẫn tới rối loạn đông máu. Chỉ một chấn thương nhỏ (đứt tay,té ngã) cũng có thể dẫn tới xuất huyết không cầm được (có thể gặp xuất huyết nội). Các điều trị mang tính xâm lấn đôi khi không thể thực hiện.
- Xuất huyết dưới da dưới dạng chấm nhỏ li ti, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi hoặc rải rác khắp người; xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, giác mạc.
- Có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào như chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục,… Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não – màng não.
- Đối với trẻ em, tình hình càng tồi tệ. Cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nên mọi tổn thương đều có thể rất nghiêm trọng. Các em lại hiếu động, dễ tổn thương nên lại càng nguy hiểm hơn.
- Việc thiếu máu và thiếu tiểu cầu, có thể dẫn tới sự suy kiệt, đình trệ quá trình điều trị, và các em hoàn toàn có thể đi tới tử vong!
Các dạng hiến máu hiện nay, có lẽ bạn chưa biết ?
- Hiện nay có hai dạng hiến máu phổ biến tại TP.HCM là lấy máu toàn phần và từng phần (lấy tiểu cầu bằng máy chiết tách).
- Hiến máu toàn phần là hiến một túi máu có thể tích 250ml, 350ml hoặc 450ml. Thể tích máu lấy mỗi lần tùy thuộc tình trạng sức khỏe, cân nặng của người cho ngay thời điểm lấy máu, nhưng mỗi lần lấy máu toàn phần như vậy không được quá 9ml máu/kg. Khi bạn cho máu toàn phần, lượng máu lấy ra bao gồm cả hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, huyết tương. Mỗi lần hiến máu toàn phần, lượng máu mất đi chiếm dưới 10% thể tích máu của cơ thể, lượng hồng cầu dưới 10%, lượng tiểu cầu dưới 5% số lượng tiểu cầu của cơ thể.
- Hiện nay, người ta có thể dùng các máy chiết tách tế bào máu chuyên dùng chỉ lấy một loại tế bào máu cần thiết, còn các tế bào máu khác thì trả lại người hiến máu được thực hiện trên cùng một thời điểm. Khi hiến tiểu cầu bằng máy thì máy chỉ lấy tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương (để pha loãng tiểu cầu), còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến. Mỗi lần hiến tiểu cầu như vậy số lượng tiểu cầu được lấy là 3×1011 (tương đương 300 tỉ tiểu cầu) và khoảng 200ml huyết tương, còn số lượng hồng cầu hầu như không thay đổi trước và sau khi hiến tiểu cầu.
- Số lượng tiểu cầu mất khoảng 20% số lượng tiểu cầu so với ban đầu. Nghĩa là theo tiêu chuẩn hiến tiểu cầu bằng máy, người hiến tiểu cầu phải có số lượng tiểu cầu hơn 200.000 tiểu cầu/mm3. Sau khi lấy, tiểu cầu của người hiến còn 160.000-170.000 tiểu cầu/mm3. Số lượng tiểu cầu này vẫn ở giới hạn của một người bình thường (150.000-300.000 tiểu cầu/mm3) hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến số lượng tiểu cầu của bạn.
- Tuy nhiên, do chiết tách bằng máy có những yêu cầu riêng nên người hiến tiểu cầu phải được khám và có những tiêu chuẩn chọn lựa riêng. Nếu bạn là người khỏe mạnh được khám và chọn hiến tiểu cầu, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về sức khỏe sau khi hiến.
- Khác với hồng cầu có đời sống 120 ngày nên khoảng cách giữa hai lần hiến máu toàn phần là 3-4 tháng phù hợp với sự tái tạo sinh lý. Tiểu cầu có đời sống 8-12 ngày. Bình thường mỗi ngày có khoảng 75.000 tiểu cầu mới được thành lập. Như vậy các tiểu cầu trong máu sẽ được đổi mới hoàn toàn trong vòng 4 ngày. Tiểu cầu già được thay thế bằng những tiểu cầu mới một cánh nhanh chóng theo chu kỳ sinh lý máu của người bình thường. Do vậy việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng đến tiểu cầu ngay tại lúc lấy cũng như số lượng tiểu cầu sau này của bạn do cơ thể cứ đều đặn sản sinh tiểu cầu mới hằng ngày, dù bạn có hiến tiểu cầu hay không.
- Ở VN, quy chế truyền máu năm 2007 quy định rõ khoảng cách giữa hai lần hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách là một tháng. Đó là do các chuyên gia tính toán điều kiện kinh tế, tập quán ăn uống, mức sống của người dân VN; nếu theo tiêu chuẩn như châu Âu hoặc Mỹ (hiến hai tuần/lần) có thể ảnh hưởng đến lượng protein trong huyết tương dùng để pha loãng tiểu cầu mỗi lần lấy tiểu cầu, mặc dù điều này rất hiếm xảy ra.
- Thực trạng ngân hàng Tiểu Cầu do cung không đủ cầu, việc cung cấp tiểu cầu gần như phụ thuộc vào những người bán máu chuyên nghiệp.
- Chất lượng đã thấp mà số lượng cũng không bao giờ đủ đáp ứng.
- Nhiều bệnh nhân đang phải chờ đợi. BÁO ĐỘNG.
(Đọc tới đây, có thể các bạn đã hiểu tiểu cầu quan trọng như thế nào với các em ung thư. Đã có nhiều trường hợp, các em đã phải ra đi vì không thể tiếp tục chờ đợi.Vì vậy, xin bạn đừng chần chờ).
Quy trình hiến máu như thế nào ?
• Bạn cần xét nghiệm máu trước khi hiến tiểu cầu. Việc này được thực hiện trong vòng 10 phút. Nếu bạn đủ điều kiện hiến tiểu cầu, đơn vị hiến máu sẽ liên lạc với bạn và sắp xếp thời gian hiến tiểu cầu.
• Chu trình hiến tiểu cầu gồm 3 bước:
- Bước 1: Lấy máu, máu được đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào.
- Bước 2: Máy li tâm, tách và giữ lại thành phần cần lấy (tiểu cầu, hồng cầu, huyết tương,…).
- Bước 3: Truyền trả lại những thành phần khác cho người hiến máu.
• Thời gian: kéo dài khoảng 60-90 phút.
(Việc hiến tiểu cầu phức tạp và kéo dài hơn so với hiến máu thông thường. Đây có thể là lý do nó ít phổ biến hơn so với hiến máu thông thường. Nhưng xin bạn hãy thương các em mà đừng ngại ngần. Chúng tôi và đơn vị truyền máu sẽ đồng hành và hướng dẫn bạn)
Ai có đủ điều kiện để hiến Tiểu Cầu ?
- Tất cả mọi người khoẻ mạnh từ 18 tuổi đến 60 tuổi đối với nam và 18 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ.
- Cân nặng : >45kg. Người trên 50kg có thẻ hiến >350ml máu/ lần.
- Số lượng tiểu cầu cao > 200 gam/l.
- Tình trạng tĩnh mạch tốt…
- Khoảng các tối thiểu giữa 2 lần hiến máu là 1 tháng.
(Bạn hãy yên tâm nhé. Hiến tiểu cầu đúng cách không hại cho sức khỏe đâu. Nó cũng an toàn như hiến máu thông thường vậy)
Quyền lợi của người hiến Tiểu Cầu
- Bạn được xét nghiệm máu và tư vấn sức khoẻ miễn phí.
- Bạn có thể được thông báo kết quả xét nghiệm máu của mình: nhóm máu, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét, giang mai,…(đảm bảo bí mật).
- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện (trong trường hợp bạn phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, ạn sẽ được bồi hoàn máu bằng số lượng máu đã hiến.
- Được hỗ trợ chi phí đi lại (450.000 VND/1 lần hiến).
Những điểm lưu ý:
• Hiến máu đúng hướng dẫn không những không có hại, mà còn có lợi cho cơ thể vì :
- Các thành phần máu chỉ có đời sống nhất định, các thành phần máu liên tục được sinh ra thay cho các tế bào máu và huyết tương bị mất đi.
Ví dụ:Hồng cầu chỉ có thể sống được tối đa 120 ngày, và được thay thế bởi hồng cầu mới.
- Cho đi dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không ảnh hưởng tới sức khoẻ.
• Buổi tối trước khi hiến máu không được thức quá khuya.
• Nên ăn nhẹ và không uống rượu, bia trước khi hiến máu.
• Mang giấy chứng minh và thẻ sinh viên (nếu có) khi đi hiến máu.
Địa Điểm Hiến Tiểu Cầu
VIỆN HUYẾT HỌC – TRUYỀN MÁU TRUNG ƯƠNG
Địa chỉ: số 14 Trần Thái Tông kéo dài – Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội
Điện thoại: 04.38685582 – 04.38686008 Fax: 04.38685582
Bệnh Viện Truyền máu Huyết học
118 Hồng Bàng
Quận 5
TP. HCM 08.39557858
Nếu bạn đã đủ điều kiện để hiến Tiểu cầu thì còn chần chừ gì nữa
bằng cách hiến tiểu cầu cứu bé”
- Hơn 5 h chiều chủ nhật ngày 2/8/2009, tôi nhận được điện thoại của ba Lam Chi : “Cháu bị thiếu tiểu cầu quá cô ơi, tôi đã đóng tiền hôm thứ 5 nhưng đến thứ 6 vẫn không có tiểu cầu để truyền. Thứ bảy chủ nhật bệnh viện nghỉ, con bé đã ói ra máu rồi cô ơi !”. Cũng chẳng làm sao được, tôi đành hẹn với ông : “Sáng mai tôi sẽ nhờ người quen làm ở phòng xét nghiệm ưu tiên cấp tiểu cầu cho cháu anh nhé. Giờ bệnh viện không ai làm việc hết !”. Ông vội vàng nói lời cảm ơn rồi cúp máy.
- Sáng hôm sau, thứ hai, ngày 3/8, tôi điện thoại từ sớm cho một nhân viên tốt bụng đang làm ở phòng xét nghiệm BV. Mỗi lần Lam Chi hay bất cứ bé nào thiếu máu, thiếu tiểu cầu …tôi đều gọi cho anh. Lần nào có mặt ở BV, anh cũng vui vẻ giúp ngay, nhưng cũng có hôm anh buồn bã nói : “Tiểu cầu thì thua rồi, vì sáng nay lên Truyền máu Huyết học để lấy về, họ cũng chẳng có. Mấy hôm nay loại này khan hiếm quá !”. Sáng thứ hai hôm đó, anh bảo tôi : “Tiếc quá chị ơi vì sáng nay tôi ra trực rồi, để mai tôi vào mới xem được !”. Tôi gọi điện thoại cho ba Lam Chi không được, đành nhắn tin cho anh : “Người ở phòng xét nghiệm BV hôm nay không làm việc, anh lên gặp BS chữa cho Lam Chi và níu áo BS thôi, nói Lam Chi bị ói ra máu rồi !”.
- Hơn 9h sáng thứ hai, ba Lam Chi gọi điện thoại cho tôi : “Cháu đi rồi cô ơi, từ hơn 10 h khuya hôm qua. Bây giờ tôi đã đem cháu về quê Bến Tre rồi !”. Thật là bàng hoàng ! Anh kể : “Hôm qua lúc gọi điện cho cô xong, tôi vào với cháu, nắm tay cháu mà mạch máu cháu bị vỡ ra, tay bầm tím. Tức một cái là cháu còn tỉnh táo lắm, miệng nói leo lẻo mà đến khuya thì đi…”. “Đi” không phải vì bệnh ung thư của Lam Chi không chữa được, mà “đi” vì thiếu tiểu cầu, phải chờ đợi lâu đến mức …xuất huyết toàn thân và xuất huyết não !
- Có bao nhiêu em bé đã “ra đi” trong tình trạng như vậy ở khoa Nhi BV Ung Bướu ? Và sẽ còn bao nhiêu em bé nữa ?
- BV Ung Bướu không có ngân hàng máu. Điều này khác hẳn với các bệnh viện có khoa ung thư bên Sing. Vì thế, việc hiến máu để dành cho các bé bệnh nhi ung thư không thể thực hiện ở đây. Bệnh nhân cần máu thì đăng ký, chờ nhân viên phòng xét nghiệm của BV sang Trung tâm (TT) truyền máu huyết học lấy về. Hầu như toa truyền máu hay truyền tiểu cầu nào cũng phải đợi vài ngày cho đến cả tuần – 10 ngày sau là thường. Vì TT truyền máu huyết học phải cung cấp máu cho tất cả các BV trong thành phố, nên tình trạng thiếu máu, thiếu tiểu cầu vẫn thường xuyên xảy ra.
- Nếu BV Ung Bướu có ngân hàng máu và chấp nhận việc hiến máu, hiến tiểu cầu tại chỗ thì việc thiếu máu thiếu tiểu cầu của các bé sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.
- Ngày 11/9 lại thêm một bé ra đi vì thiếu tiểu cầu, bé Trần Gia Huy, 8 tuổi, một bệnh nhi phòng số 6. Ngày 1/9, trong một buổi chơi với trẻ, khi nhìn thấy Gia Huy cử động chậm chạp… đang ngó lên kệ tìm sách, tôi như bị thôi miên bởi hình hài da bọc xương và trắng nhợt của con. Huy là cậu bé được BSC giúp đỡ ngay trong chương trình thăm bệnh nhi đầu tiên vào ngày 15/8/2008, với số tiền hơn 2 triệu để mua tiểu cầu.
- Khi tìm mẹ Huy, mẹ của con cho hay là Huy đang thiếu máu và thiếu tiểu cầu nhưng chờ hoài chưa thấy có. Tôi đã dặn mẹ Huy đem con về phòng, tránh cho con cử động hay hoạt động để mạch máu không có cơ hội bị vỡ. Sau đó, tôi đã tìm cách liên lạc với người nhân viên tốt bụng ở phòng xét nghiệm. Huy được truyền máu và tiểu cầu liền sau đó, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng thiếu. Một tuần sau, ba của Gia Huy điện thoại cho tôi. Khi tôi hỏi người nhân viên tốt bụng đó thì được cho hay : Có một bé cần truyền khẩn cấp hơn, nên Huy phải chờ. Trưa ngày 11/9, khi nhận được tin Huy sắp sửa ra đi, tôi tất tả chạy đến bệnh viện trong buổi trưa nắng gắt, chỉ kịp thấy ba của Huy nước mắt đẫm trên gương mặt ôm xác con chuẩn bị về quê.
- Cái chết của Lam Chi, rồi của Gia Huy…khiến tôi luôn cảm thấy day dứt và ám ảnh. Căn bệnh chưa giết các bé thì việc thiếu tiểu cầu đã tước đi cuộc sống của các bé ! Tôi luôn băn khoăn tự hỏi phải làm cách nào đây, phải gỡ cách nào đây, thay vì cứ phải lệ thuộc vào một mối quen biết nào đó – mà cho dù có lòng tốt thì họ cũng bất lực ?
- Ngày 13/10, bà ngoại Phan Lê Hoàng Huy (nam, 4t) – cũng một bệnh nhi phòng số 6 vừa chuyển sang nằm phòng ICU (chăm sóc đặc biệt) – vừa khóc vừa kể : Không còn hy vọng nữa, thằng bé thiếu tiểu cầu nhiều lắm mà bệnh viện không có để truyền ! Ba của Huy đã phải đi xét nghiệm để lấy máu và tiểu cầu đổi lại cho con.
- Tôi không tin vào tai mình, vặn hỏi chị có thực là có thể hiến tiểu cầu cho bé Huy được không ?. Chị xác nhận BV chấp nhận và cho giấy đề nghị đi hiến rồi, chỉ sợ người nhà không đủ sức khỏe mà thôi.
- Như vậy TT truyền máu huyết học đã chấp nhận người hiến tiểu cầu cho một bệnh nhân cụ thể nào đó ở BV Ung Bướu ?
- Trưa ngày 28/10, bác sĩ Thanh Thủy – Trưởng khoa Nhi – đã xác nhận điều đó với tôi. Vấn đề là cần phải biết có bao nhiêu bé đang bị thiếu tiểu cầu, rồi Khoa Nhi mới làm giấy đề nghị TT truyền máu huyết học cho hiến tiểu cầu với một tên người tình nguyện cụ thể. Chị hứa sẽ cho tôi danh sách các bé cần tiểu cầu vào trưa ngày 29/10 . Song song đó, tôi sẽ đưa danh sách những người tình nguyện để chị viết vào giấy đề nghị.