THẬP ĐIỆN DIÊM LA VƯƠNG
(VUA DIÊM LA CỦA MƯỜI ĐIỆN)
Ở cõi Diêm La có mười vị vua cai quản, có nhiệm vụ và công việc khác nhau để xem xét hồn người chết lúc còn sống trên thế gian đã phạm vào những tội lỗi gì mà có hình phạt thích đáng.
1. Nhứt Điện: Tần Quảng Vương cầm sổ sống chết.
2. Nhị Điện: Sở Giang Vương coi Đẳng Hoạt Địa Ngục
3. Tam Điện: Tống Đế Vương coi Hắc Thằng Đại Địa Ngục
4. Tứ Điện: Ngũ Quan Vương coi Chúng Hiệp Đại Địa Ngục
5. Ngũ Điện: Diêm La Vương coi Khiếu Hoán Địa Ngục
6. Lục Điện: Biện Thành Vương coi Đại Khiếu Hoán Địa Ngục
7. Thất Điện: Thái Sơn Vương coi Nhiệt Não Địa Ngục
8. Bát Điện: Bình Đẳng Vương coi Đại Nhiệt Não Địa Ngục
9. Cửu Điện: Đô Thị Vương coi A-Tỳ Địa Ngục.
10. Thập Điện: Chuyển Luân Vương cho đi đầu thai.
1.- Nhất Điện Tần Quảng Vương :-
(Tần Quảng Vương ở Điện thứ nhất)
Quản lý sổ sách ghi chép về tuổi thọ của con người, quản lý hết tất cả việc lành dữ của cõi U Minh. Cung điện của Ngài ở bên dưới tầng đá ngầm đáy biển, nằm về hướng Tây của hắc lộ suối vàng.
Nếu người chết là người có làm việc thiện, thì được tiếp dẫn vãng sanh ngay. Còn nếu người chết là nam hay nữ mà công tội ngang nhau, thì được đưa đến Điện thứ mười cho đi đầu thai, có thể nam chuyển thành nữ hay ngược lại, tùy theo nghiệp của mỗi người mà định. Nếu làm ác có ít, thì đưa vào một điện có đài cao, gọi là “Nghiệt kính (cảnh) đài”. Đài nầy cao một trượng, xung quanh có kiếng, treo ở hướng Đông, trên biển có đề câu:- “Trước Đài Nghiệt Cảnh không người tốt”. Hồn người chết sẽ thấy lại tất cả những việc mình đã làm khi sống, bao nhiêu tội lỗi đã gây tạo, nay phải chịu sa xuống Địa Ngục chịu sự trừng phạt. Lúc nầy thì dù “vàng ròng cũng khó đổi” được. Sau khi xem hết các tội lỗi rồi thì chuyển qua Điện thứ hai để thọ hình phạt theo tội đã gây ra.
*Như người lúc còn sống, chẳng kính trời đất, không nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mà báo đáp, hỗn hào cãi lệnh cha mẹ, coi thường mạng sống, tự ải tự vẫn (thắt cổ tự tử), uống thuốc độc hoặc nhảy sông mà chết. Những người chết như thế, ngoại trừ do bảo vệ trung hiếu tiết nghĩa mà có hành động như vậy, tất cả người do vì sân hận, hoặc vì lý do không đáng mà tự tử, hoặc do muốn hù dọa người mà lộng giả thành chân …mà chết (thì đều phải chịu trừng phạt).
*Các vị thần Môn Táo (cửa và bếp) sẽ giải những hồn nầy vào điện để chịu sự đói khát, từ chập tối đến nửa đêm (giờ tuất và hợi) phải chịu sự đau đớn sống chết. Hình phạt kéo dài hoặc 70 ngày hoặc hai, ba năm, rồi đưa hồn trở về quê quán để gặp vợ (chồng) con, nhưng không được hưởng cơm canh tiền bạc (do thân nhân cúng). Nếu người đó biết ăn năn tội lỗi thì không còn hiện những hình ảnh ghê sợ cho người , dọa nhát người đời nữa. Trải qua thời gian trừng phạt nầy rồi, thì thần Môn Táo lại giải xuống điện cũ để chuyển tiếp Điện thứ hai, tra xét công tội để áp dụng hình phạt thích đáng nơi ngục đó. Nếu khi sống có làm việc thiện thì có phần miễn giảm, còn toàn làm ác thì quỉ mặt xanh sẻ áp giải đến ngục khác chịu hình phạt, nếu quá nặng thì cho xuống đại Địa Ngục A-Tỳ, mãi mãi chịu hình phạt không cho tái sanh nữa.
Những kẻ khi sống làm nghề “thợ tụng ”, tụng kinh cầu nguyện cho người mà gian lận , bớt lời bớt chữ trong kinh (tụng nhận lớp) thì đưa sang “Bổ Kinh Sở” (nơi tụng kinh thêm cho đủ số). Nơi đây, có để kinh điển, thắp một cây đèn dầu leo lét, khi mờ khi tỏ không thể tụng đọc nhanh được. Mà khi tụng, bỏ sót một chữ sẽ bị quỉ sứ đánh đòn nên không dám sai trái. Những người nầy, dù ở thế gian thân nhân có rước bao nhiêu thầy đến hộ niệm đi nữa thì tội cũ vẫn không giảm được. Chỉ có trường hợp, chính người thân thiết đó, hết sức thành tâm tụng đọc, ra sức bố thí cúng dường, dù đọc kinh trì chú không hay miễn có đủ tâm thành thì có cảm ứng. Lúc ấy, vào sáu ngày lành mỗi tháng, sẽ có “Phật chỉ” đưa đến mà giảm tội cho.
Muốn tránh khỏi hình phạt ở địa ngục, chỉ có cách là phát lòng thành ăn chay niệm Phật để cầu vãng sanh, lập thệ nguyện hoằng pháp lợi sinh , làm nhiều việc công đức …thì khi vãng sanh được Phật tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc mà thôi !
*Vào ngày mùng 1 tháng hai (là ngày vía của Nhất Điện Tần Quảng Vương) , ăn chay tụng kinh sám hối, phát nguyện và thực hành làm lành sẽ được Ngài phù hộ.
2.- Nhị Điện Sở Giang Vương
(Sở Giang Vương ở Điện thứ hai)
*Ngục nầy nằm ở đáy biển, dưới tầng đá ngầm phía chính Nam, gọi là địa ngục Đẳng Hoạt . Gồm có 16 địa ngục nhỏ như sau:-
1‧Hắc Vân Sa Tiểu Địa Ngục . (cát mây đen)
2‧Phẩn Niệu Nê Tiểu Địa Ngục . (phẩn , nước tiểu, bùn)
3‧Ngũ Xoa Tiểu Địa Ngục . ( cây chĩa năm răng)
4‧Cơ Ngạ Tiểu Địa Ngục . (đói )
5‧Tiêu Khát Tiểu Địa Ngục . (khát)
6‧Nùng Huyết Tiểu Địa Ngục . (chảy máu tươi)
7‧Đồng Phủ Tiểu Địa Ngục . (búa đồng)
8‧Đa Đồng Phủ Tiểu Địa Ngục . (nhiều búa đồng)
9‧Thiết Khải Tiểu Địa Ngục . (giáp bằng sắt)
10‧U Lương Tiểu Địa Ngục . (tối tăm)
11‧Kê Tiểu Địa Ngục . (gà cắn mổ)
12‧Hôi Hà Tiểu Địa Ngục . (tro than, sông nước)
13‧Chước Tiệt Tiểu Địa Ngục . (chặt cắt)
14‧Kiếm Diệp Tiểu Địa Ngục . (kiếm bén)
15‧Hồ Lang Tiểu Địa Ngục . (chồn sói)
16‧Hàn Băng Tiểu Địa Ngục . (băng lạnh)
*Người thế gian phạm vào tội lừa gạt thiếu niên nam nữ, buôn bán trẻ em, cưỡng đoạt thân thể đoạt tài sản của chúng, không rành nghề hốt thuốc cho người làm tổn hại đến mắt, lỗ tai, tay, chân của họ, không tha đày tớ gái già, tham cầu lợi lộc mà làm mai mối hôn nhân, dấu giếm (khai gian) tuổi tác, đến nhà người sanh sự, nam nữ làm điều dối gian, nói không thật lời. Phạm tội loạn luân. Làm quan ăn của hối lộ…
Những người nầy khi chết, sau khi ở Nghiệt Cảnh Đài đã tra ra tội phạm nhiều ít, thời gian phạm lâu mau, có cố ý hay vô tình …thì cho quỷ tóc đỏ răng nanh dẫn đi đến địa ngục nhỏ tương ứng để thọ tội. Thí dụ như:- Phạm tội loạn luân, bị cắt (thiến) thận, làm quan tính kế đảo điên, ăn hối lộ, bị nhốt trong hỏa xa, đêm vắng toan mưu dối, bị cát mây đen đè mình, xúi trẻ thơ lầm lỗi bị cầm trong ngục giá lạnh. Mãn kỳ thọ tội nầy thì chuyển sang ngục thứ ba để định tiếp.
Người nào trên thế gian thường biết nói điều hay trong kinh Ngọc Lịch để giáo hóa người khác hoặc ấn tống kinh điển giúp người giác ngộ; thương yêu chúng sinh, dạy dỗ điều lành tốt cho trẻ em, không tàn hại côn trùng, bố thí thuốc men cho người bệnh, bố thí cơm cháo cho người nghèo đói, bố thí tiền bạc để cứu giúp người nghèo khổ, biết ăn năn tội lỗi đã lỡ gây tạo thì được miễn trừng phạt nơi ngục nầy, mà đưa thẳng xuống Điện thứ mười để đầu thai kiếp khác.
*Vào ngày mùng một tháng ba, ăn chay, phát nguyện thực hành làm lành, hành hạnh phóng sanh, thì được Ngài Nhị Điện Sở Giang Vương phù hộ.
3.- Tam Điện Tống Đế Vương :
(Tống Đế Vương ở Điện thứ ba)
Ngục nầy nằm dưới tầng đá ngầm hướng Đông Nam đáy biển, tên gọi là “Hắc Thằng Địa Ngục” (dây đen). Có tất cả 16 địa ngục nhỏ như sau:-
1‧Hàm Lỗ Tiểu Địa Ngục . (muối mặn)
2‧Ma Hoán Già Nữu Tiểu Địa Ngục . (gông xiềng)
3‧Xuyên Lặc Tiểu Địa Ngục . (xỏ gân)
4‧Đồng Thiết Quát Kiểm Tiểu Địa Ngục . (đồng sắt nạo gò má)
5‧Quát Chi Tiểu Địa Ngục . (nạo chảy mỡ)
6‧Kiềm Tễ Tâm Can Tiểu Địa Ngục . (đóng vào tim gan)
7‧Oát Nhãn Tiểu Địa Ngục . (móc mắt)
8‧Sản Bì Tiểu Địa Ngục . (phanh da)
9‧Nguyệt Túc Tiểu Địa Ngục . (cắt chân)
10‧Bạt Thủ Cước Giáp Tiểu Địa Ngục . (rút móng tay chân)
11‧Hấp Huyết Tiểu Địa Ngục . (hút máu)
12‧Đảo Điếu Tiểu Địa Ngục . (treo ngược rút lên)
13‧Phân Tuỷ Tiểu Địa Ngục . (xẻ xương tủy)
14‧Thư Chú Tiểu Địa Ngục . (ăn giòi bọ)
15‧Kích Tất Tiểu Địa Ngục . (đánh vào đầu gối)
16‧Bà Tâm Tiểu Địa Ngục . (bóp trái tim)
*Người lúc còn sống khi làm quan, chẳng nghĩ ơn đức lớn lao của vua (đất nước) , mạng sống người dân là quan trọng, chỉ biết hưởng thụ lợi lộc mà không làm tròn bổn phận, chẳng màng dân chúng khổ sở đói rét. Người dân thường thì thấy lợi bỏ quên ân nghĩa, chồng bất nghĩa, vợ chẳng hòa thuận, làm con nuôi của người thọ lãnh ân huệ của họ mà vì muốn chiếm đoạt tài sản sanh ra vong ân bội nghĩa, đày tớ mà phụ ơn chủ nhà, binh lính phụ ơn của người chỉ huy, công nhân phụ ơn nghĩa của giám đốc, hoặc phạm tội vượt ngục hoặc quân nhân đào ngũ, không làm tròn chức trách của trên giao phó…Phạm những lỗi trên mà không chịu sám hối thì tuy có làm điều lành đi nữa cũng không bớt được tội cũ (phải có sự ăn năn sám hối mới được)
Thêm nữa, những vị thầy phong thủy coi xem nhà cửa mồ mã cho người, học không đến nơi đến chốn, làm sai lệch mà lấy tiền người. Hoặc đào mồ cuốc mã thiên hạ, chiếm đất nghĩa địa. Hoặc dụ dỗ người làm việc phi pháp.
Giết người lấy của, đi săn bắn, bị cọp xé thây, gian dâm vợ người, sửa chữa giả mạo giấy tờ, người có chuyện di chúc, gởi gắm mình mà mình không chịu thực hiện, đốt phá nhà cửa người, đòi nợ xiết của người khác, làm sách giả nguy hại đời sau…
Sau khi tra xét tường tận, sẽ cho Đại Lực Quỷ đưa vào tiểu ngục thích ứng chịu trừng phạt theo tội lỗi đã làm. Thọ hết hình phạt, lại chuyển sang ngục thứ tư để tra xét tiếp.
*Ngày mùng tám tháng hai, ăn chay phát nguyện và thực hiện việc làm lành, tụng kinh sám hối nếu lỡ gây ra những tội đã nêu trên , thì sẽ được Ngài Tam Điện Tống Đế Vương hộ trì miễn giảm tội khiên.
4.- Tứ Điện Ngũ Quan Vương :
(Ngũ Quan Vương ở Điện thứ tư)
Ngục thứ tư nằm ở dưới tầng đá ngầm biển, ở về hướng Đông. Ngục nầy có tên là “Chúng Hiệp Địa Ngục” (đối xử với người) .Có 16 tiểu ngục là:-
1‧Thạch Trì Tiểu Địa Ngục . (ao có bờ vách bằng đá)
2.- Miêu Luyện Trúc Tiêm Tiểu Địa Ngục . (rớt xuống bàn chông tre)
3‧Phí Thang Nhiễu Thủ Tiểu Địa Ngục . (nước sôi)
4‧Chưởng Bạn Lưu Dịch Tiểu Địa Ngục . (trấn nước)
5‧Đoạn Cân Dị Cốt Tiểu Địa Ngục . (cắt gân)
6‧Yển Kiên Loát Bì Tiểu Địa Ngục . (xẻ vai lột da)
7‧Toả Phu Tiểu Địa Ngục . (căng da)
8‧Tồn Phong Tiểu Địa Ngục . (ngồi trên mũi nhọn)
9‧Thiết Y Tiểu Địa Ngục . (áo sắt)
10‧Mộc Thạch Thổ Ngoã Áp Tiểu Địa Ngục . (gạch ngói đá đè)
11‧Kiếm Nhãn Tiểu Địa Ngục . (dùng kiếm khoét mắt)
12‧Phi Hôi Tắc Khẩu Tiểu Địa Ngục . (nhét tro bịt miệng)
13‧Quán Dược Tiểu Địa Ngục . (rót thuốc)
14‧Du Đậu Hoạt Trật Tiểu Địa Ngục . (đi đường đổ dầu trơn trợt cho té )
15‧Thích Chuỷ Tiểu Địa Ngục . (đâm vào miệng)
16‧Toái Thạch Mai Thân Tiểu Địa Ngục . (đá đè chôn thân)
*Người sống ở thế gian mà trốn sưu lậu thuế, không nộp tô tức, dùng hai cái cân để gian lận, lường thưng tráo đấu, bào chế thuốc giả, bán gạo ẩm mốc, xài tiền giả, tráo xén bớt tiền, bán dầu bột quá hạn, may vá ăn xén vải vóc, cho vay ăn lời quá vốn, đi đường gặp người già tàn tật không nhường bước, bắt người khác phục dịch quá đáng, nhận thư tín tin tức người nhờ chuyển mà không sớm chuyển giao, lăn cây đá chặn đường đi, lấy trộm dầu thắp đèn đường, nghèo mà không chịu siêng năng làm ăn lại chê trách người, giàu mà không cứu giúp kẻ khó, giả bộ đi mượn tiền để người khác khỏi mượn mình, làm bộ đói rách để xin của người, thấy người khác bệnh nhà mình có thuốc (sách , bài thuốc hay) mà không cho, dấu diếm thuốc gia truyền để làm giàu, chăn nuôi súc vật đổ phân, nước tiểu ra đường làm hôi thúi người đi đường, đổ rác rến ra giữa đường đi, trù ếm làm hại người, bỏ cha mẹ trốn lánh tự tử, bỏ hoang ruộng đất, làm cây cối ngã sập nhà, tường người, phách lối mắng nhiếc người …
Sau khi tra xét kỹ, tùy theo tội lỗi mà đưa vào địa ngục thích ứng để chịu sự trừng phạt khổ sở, mãn hạn chuyển sang Địa ngục thứ năm để tra xét tiếp.
*Những người còn sống ở thế gian, vào ngày mười tám tháng hai, ăn chay tụng kinh sám hối tự hứa không tái phạm những lỗi trên nữa.Tự mình hoặc góp phần vào việc ấn tống kinh sách như Ngọc Lịch, Kinh Nhân Quả … để cảm hóa chúng sanh,cho họ biết làm lành lánh dữ, thì được Ngài Tứ Điện Ngũ Quan Vương phù hộ và miễn giảm tội cũ trót lỡ gây ra.
5.- Ngũ Điện Diêm La Vương :
*Vua Diêm La nói rằng:-“Trước đây ta ở Điện thứ nhất, vì thương hại người chết, bị điều sang cai quản ở đây. Ngục nầy tên là ngục Khiếu (Kiếu) Hoán (kêu la rên xiết) nằm dưới tầng đá ngầm đáy biển ở hướng Đông bắc.Có tất cả 16 Tiểu Địa Ngục “chặt đứt trái tim”.
Những phạm nhân trước khi đưa đến đây đều trải qua thời gian thọ tội nhiều năm ở ngục khác. Nơi ngục thứ tư, việc tra xét không quá bảy ngày rồi chuyển sang đây, để khai thêm về những việc không làm ác lúc còn sống. Phần lớn, các hồn quỷ thường khai rằng :- trên thế gian chưa làm xong nguyện vọng như xây cất chùa viện, đào giếng vét sông, làm chưa xong việc ấn tống kinh điển khuyến thiện, hoặc phóng sanh chưa xong, hoặc chưa lo xong việc chuẩn bị hậu sự cho song thân, hoặc mang ơn chưa kịp đền đáp, xin cho được trở về để hoàn thành tâm nguyện, hẹn chẳng sai lời, hứa sẽ làm người tốt. Ta nghe như thế, bèn nói:-“Các ngươi, lúc trước có làm ác hay không , quỷ thần đã biết, hãy thành thật nhận tội đi. Nếu cõi âm ty không có quỷ oán hận thì lúc ở dương gian là không có người oán hờn. Người tu hành chân chính ở thế gian không có nhiều đâu. Nay đã đến đây, ta sẽ cho xem ở Nghiệt Cảnh thì biết hết sự thật rồi, đừng nói nhiều lời nữa ! Nói rồi, ta sai ngưu đầu mã diện giải phạm nhân đến “Đài Vọng Hương” để nhìn về quê xưa của họ. Đài nầy cong như cây cung, có ba mặt đông, tây và nam. Chiều cong dài tám trăm mười dậm, còn phía bắc thì có một rừng kiếm làm thành trì. Đài nầy cao bốn mươi chín trượng, có núi đao tua tủa. Bậc thang có sáu mươi ba cấp. Những người lương thiện thì khỏi bắt lên đài nầy, người công và tội bằng nhau thì được cho đi đầu thai. Chỉ có những kẻ làm ác thì phải lên mà thôi. Lên trên đài nầy rồi, thì sẽ thấy quê nhà kế bên, người thân nói gì cũng nghe thấy. Nghe được những lời con cháu tranh giành của cải tài sản, không chịu thực hiện di chúc, không thực hiện lời dặn dò trăn trối. Kế thấy những cảnh thay đổi sau khi mình chết, sự vật khác xưa, mỗi mỗi đều thay, chẳng còn gì là của mình. Người thân là chồng thì muốn cưới vợ khác, người thân là vợ thì muốn lấy chồng khác, con cái thì tranh nhau tài sản, đánh lộn đánh lạo, chữi mắng nhau. Bà con thân thiết và bạn bè cũng chẳng ai nhớ đến mình, con cái nheo nhóc khổ sở v.v…Thấy những cảnh ấy rồi, những hồn người chết la khóc inh ỏi, dập đầu bứt trán , nhào lộn tức tối, đau khổ muôn phần…Như thế rồi lại nhìn thấy tiếp những cảnh tượng người thân bị trả quả báo (của mình gây ra) như là:- trai bị bắt giam, nữ thì sanh quái thai, con trai bị dụ dỗ sa đọa, con gái bị gian dâm. Sự nghiệp của mình bị tiêu tan, nhà cửa bị cháy rụi, tất cả trong nhà đều bị tiêu sạch…khi ấy quỷ hồn hối hận ăn năn thì đã quá muộn.
Sau đó, cho trở về trong điện để tra xét tiếp rồi tùy theo tôi lớn nhỏ nhiều ít lâu mau … mà đưa đến các Tiểu Địa Ngục để chịu sự trừng phạt. Trong các Tiểu Địa Ngục nầy, có các cọc gỗ nhọn, chó sắt rắn đồng, gông xiềng tay chân. Quỷ dùng con dao nhỏ, mỗ một đường ở bụng, vạch bày ra trái tim, cắt xẻ ra từng miếng để ném cho rắn ăn, ruột thì cho chó ăn. Chịu sự trừng phạt một ngày, thì chỗ mỗ lành lại, đem giam vào ngục để mai hành hạ tiếp. Các Tiểu Địa Ngục là:-
1‧người chẳng kính quỷ thần, không tin vào nhân quả sẽ đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
2‧giết hại sinh vật cũng cho vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
3‧có lời vái nguyện mà chưa cúng trả lễ:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
4‧theo học tà thuật mong cầu được trường sinh:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
5‧hận người trù rủa cầu cho người mau chết:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
6‧mưu tính kế hại người :- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
7‧người nam mà dụ dỗ người nữ vào con đường thất tiết:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
8‧làm việc tổn hại người lợi mình:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
9‧bỏn xẻn tiếc nuối tài vật mà chẳng màng sống chết:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
10‧nuôi nấng người rồi cho đi ăn trộm:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
11.-lấy oán báo ân:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
12‧đam mê cờ bạc táng gia bại sản:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
13‧lường gạt người:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
14‧dùng lời nói sai quấy xúi bảo người làm bậy:-Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
15‧có tâm ganh ghét người hiền:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
16‧hay mắng nhiếc người:- Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
*Những người không tin nhân quả, cản trở người làm việc lành, mượn tiếng đi chùa miếu dâng hương để xúi biểu người làm quấy, thiêu đốt kinh sách dạy người làm lành, xúi người phá giới, ngăn cản người làm ác biết ăn năn sám hối, biết đạo mà không giữ giới, phỉ báng Phật, chẳng chịu nghe theo lời dạy đạo tu hành, mà còn xúi bảo người khác đi vào đường sai quấy như mình, đào mồ cuốc mã người khác, thiêu đốt rừng núi, cho gia đình di chuyển trước rồi đốt nhà phá xóm giềng, dùng cung tên súng đạn bắn lén người, bức ép người khác khiến họ rầu rĩ mà sanh bệnh, ném đá , gạch ngói lên mái nhà người, dùng thuốc độc hại cá, giăng lưới bắt chim, dùng muối tưới cây cỏ chết, thả rắn rít độc trùng làm hại người đến chết, giả mạo chức tước để hại người, chiếm đoạt nhà đất người, lấp giếng ngăn chận mương rãnh phá hoại nhà người …
Những kẻ phạm vào những tội lỗi trên, cho lên Vọng Hương Đài để xem hết những tội đã phạm cùng hậu quả báo ứng, rồi cho vào địa ngục Khiếu Oán, để họ tự ăn năn dày vò, đau khổ, khóc than một mình. Kế đó mới tùy theo tội mà chuyển đến Tiểu Địa Ngục thích ứng mà hành tội tiếp. Thọ tội xong, chuyển đến Điện thứ sáu để tra xét tiếp.
Những người khi còn sống không phạm những tội đã nêu hoặc lỡ phạm mà vào ngày mùng tám tháng giêng, ăn chay tụng kinh sám hối, phát thệ không tái phạm, thì được miễn hình phạt ở ngục thứ năm nầy, chuyển sang ngục thứ sáu xem xét.
Nhưng người phạm vào các tội:- giết người hại con vật lớn, theo bè đảng tà ngụy, gian dâm phụ nữ, bắt ép vợ người phải thất tiết, nuôi người trôm cắp, những kẻ lấy oán báo ân, những người si mê chấp chặt không chịu ăn năn sửa đổi, thì không được tha thứ miễn giảm.
6.- Lục Điện Biện Thành Vương :
(Biện Thành Vương ở Điện thứ sáu)
*Ngục nầy nằm dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng chính Bắc, tên là “Đại Khiếu Hoán”, nghĩa là tội nặng hơn, bị hình phạt năng nên khóc la lớn tiếng hơn ngục thứ năm. Có 16 Tiểu Địa Ngục là:-
1‧Thường Quị Thiết Sa Tiểu Địa Ngục . (cát bằng sắt bắn vào người làm té ngã)
2‧Thỉ Nê Tẩm Thân Tiểu Địa Ngục . (tẩm thân thể bằng phân, nước tiểu)
3‧Ma Tồi Lưu Huyết Tiểu Địa Ngục . (mài ép cho chảy máu)
4‧Kiềm Chuỷ Hàm Châm Tiểu Địa Ngục . (ngậm kim châm , đập bằng chùy)
5‧Cát Thận Thử Giảo Tiểu Địa Ngục . (cắt thận cho chuột ăn)
6‧Cức Võng Huỳnh ToảnTiểu Địa Ngục . (nằm trong lưới gai bị trùng độc cắn đốt đau đớn)
7‧Đối Đảo Nhục Tương Tiểu Địa Ngục . (cối quết thân thể nát bằm)
8‧Liệt Bì Kỵ Lôi Tiểu Địa Ngục . (lột da căng phơi)
9‧Hàm Hoả Bế Hầu Tiểu Địa Ngục . (lửa đốt trong cổ họng)
10‧Tang Hoả Phí Hồng Tiểu Địa Ngục .(lửa đốt cháy thân)
11‧Phẩn Ô Tiểu Địa Ngục . (ăn phân)
12‧Ngưu Điêu Mã Thao Tiểu Địa Ngục . (trâu đạp ngựa dậm)
13‧Phi Khiếu Tiểu Địa Ngục . (oằn oại rên la)
14‧Táng Đầu Thoát Xác Tiểu Địa Ngục . (đập đầu cho chết)
15‧Yêu Trảm Tiểu Địa Ngục . (chém ngang lưng)
16‧Bác Bì Tuyên Thảo Tiểu Địa Ngục . (lột da phơi trên cỏ)
*Những người khi còn sống, chữi mắng trời đất, chữi gió mắng mưa, chê nóng trách lạnh, phá hủy hình tượng thần Phật, ăn cắp của cải chùa miếu, xưng thần thánh gạt người, chẳng kính trọng kinh sách, đem đồ dơ bẩn đổ gần chùa miếu, làm ô uế chùa miếu, cúng tế thần Phật bằng những đồ nấu nướng không tinh khiết, chẳng chịu kiêng cử thịt trâu chó, chứa dấu những sách vở đồi bại, phá hủy sách vở khuyến thiện, phá hủy tượng bát quái, tượng thần thánh tiên Phật, kêu tên thần thánh không chút dè dặt, hủy hoại ngũ cốc, ăn uống bỏ mứa. Đầu cơ tích trữ để làm giàu…
Những tội trên đều bị trừng phạt ở ngục Đại Khiếu Hoán nầy, sau khi tra xét kỹ lưỡng thì cho đến những tiểu địa ngục thích ứng mà chịu sự trừng phạt, tiếng kêu la vang trời dậy đất, sự đau đớn khổ sở kề sao cho xiết. Thí dụ như:- bế vựa chờ giá lúa cao mà bán, để người nghèo chịu đói (bế địch trợ hoang), hoặc là gian giảo ngược ngang, bị hành bàn chông nhọn. Chửi gió mắng mưa, kêu tên Thần Thánh chẳng chút kiêng vì ,bị cột trói ngược mà cưa xẻ cắt lưỡi.
Hành tội mãn hạn thì chuyển giao cho Ngục thứ bảy xem xét tiếp.
Người nào lỡ phạm tội, biết ăn năn cải hối, vào ba ngày, 15, 16 tháng 5 , phải giữ giới kiêng phòng sự, ăn chay tụng kinh sám hối, thệ nguyện không tái phạm, gắng làm lành chuộc tội… thì sẽ được Ngài Biện Thành Vương cứu xét miễn giảm tội.
7.- Thất Điện Thái Sơn Vương :
(Thái Sơn Vương của Điện thứ bảy)
*Ngục nầy nằm ở dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng Tây bắc, tên là Địa Ngục Nhiệt Não (nóng bức đau đớn trong đầu). Gồm có 16 tiểu địa ngục là:-
1‧Truỳ Tuất Tự Thôn Tiểu Địa Ngục . (tự ăn năn đau khổ)
2‧Liệt Hung Tiểu Địa Ngục . (rét lạnh ở ngực)
3‧Địch Thối Hoả Bức Khanh Tiểu Địa Ngục . (xẻo bắp vế ném vào lò lửa)
4.- Xuyên quyền kháng phát Tiểu Địa Ngục . (đâm gò má, bứt tóc)
5‧Khuyển Giảo Hĩnh Cốt Tiểu Địa Ngục . (chó ăn xương đầu gối)
6‧Úc Thống Khốc Cẩu Đôn Tiểu Địa Ngục . (nhớ lỗi xưa khổ sở, bị chó nhai nuốt)
7‧Tắc Đỉnh Khai Ngạch Tiểu Địa Ngục . (đóng đỉnh đầu xẻ trán)
8‧Đỉnh Thạch Tôn Thân Tiểu Địa Ngục . (đá sập đè thân)
9‧Đoan Bảo Thượng Hạ Trác Giảo Tiểu Địa Ngục . (chim dữ cắn mổ trên dưới)
10‧Vụ Bì Trư Đà Tiểu Địa Ngục . (lột da như da heo)
11‧Điếu Giáp Túc Tiểu Địa Ngục . (rút móng chân)
12‧Bạt Thiệt Xuyên Tai Tiểu Địa Ngục . (kéo lưỡi đâm xuyên qua má)
13‧Trừu Trường Tiểu Địa Ngục . (lôi ruột ra ngoài)
14‧Loa Đạp Miêu Tước Tiểu Địa Ngục . (lừa đạp mèo cắn)
15‧Lạc Thủ Chỉ Tiểu Địa Ngục . (cắt từng ngón tay)
16‧Du Phủ Cổn Phanh Tiểu Địa Ngục . (nấu chảo dầu sôi)
*Những người lúc còn sống, ăn uống bừa bãi, bỏ mứa phung phí thức ăn, rượu thịt vô độ, nài ép người phải bán của cải cho mình, trộm cắp quần áo, dấu thây chết để làm thuốc, làm ly tán thân thích của người, mua bán tì thiếp, hiếp đáp vợ con đến chết, cờ bạc phá của, làm thầy dạy học trò không hết lòng, dạy điều sái quấy cho học trò, truy vấn đánh đập học trò quá ngặt khiến trò bị thương tích hay sinh bệnh, tham lấy của cải hàng xóm, bội bạc sư trưởng, già mồm lẽo mép cãi lẫy trấn áp người, xui giục bày biểu cho người ta tranh đấu lẫn nhau, hồ đồ không tra cứu kỹ lưỡng đã kết tội người khác…Tất cả những tội trên đều được tra xét cẩn thận ở ngục nầy, rồi tùy theo tội mà cho đưa vào ngụ nhỏ tương thích chịu sự trừng phạt. Xong, chuyển đến Điện thứ tám để tra xét tiếp.
Những người khi còn sống, lấy cớ làm thuốc để tàn sát loài vật chứ không chịu dùng thảo mộc làm thuốc. Đàn bà chế tạo món ăn mà sát hại quá nhiều sinh vật hay món ăn mà thú nửa sống nửa chết, cũng mang lấy tội nặng. Dù có làm phước khác. Mà không chịu ăn năn giảm bớt những việc sai trái nầy, cũng không được bỏ qua nghiệp tội trên. Phải làm những việc tạo công đức như:- phóng sanh, cứu người, bớt sát sanh, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, khuyên người tu hành làm lành, ấn tống kinh sách khuyến thiện.. thì dù đã lỡ phạm tội nhưng khi chết, được các vị “Tịnh Nghiệt Sứ Giả” (làm thanh tịnh nghiệp tội đã tạo) dùng kiếng chiếu vào người đó, xóa bỏ nghiệp cũ, mới khỏi bị tội ở ngục thứ bảy nầy.
Những thầy thuốc ở nhân gian dùng những thây chết do bị lửa cháy, lấy da thịt chế thuốc, hoặc cắt lấy xương, gân, gan, mật, đầu sọ của người mà chế tạo thành thuốc cao, thuốc bột mà buôn bán… Tội ấy không thể tha thứ ở ngục nầy, dầu có làm phước khác mà không liên quan nghiệp nầy cũng không giải được. Diêm Vương cũng nhất định bắt vào địa ngục Nhiệt Não hành hình , chịu hết những hình phạt của các tiểu địa ngục. Thí dụ như:-
Bày thuốc phá thai bị quăng lên núi lửa. Khinh khi Tam giáo bị chó phân thây. Nói tục tĩu bị cắt lưỡi. Đàn bà có chồng còn ngoại tình với trai bị đốt nấu trong vạc đồng.
Khi xong rồi, giao cho Ngục thứ mười để đi đầu thai. Nhưng kiếp đó, phải chịu những dị tật :- đui, què, mẻ, sứt … trả đền tội cũ. Tuy nhiên, cũng có phương pháp để hóa giải bớt là, chân thành ăn năn sám hối, thệ nguyện không tái phạm, làm được những điều lành như :-
Thí tiền, thí thuốc, thí cơm cháo; Bắc cầu, sửa đường cho thiên hạ đi, Thí quan tài và đồ liệm, Nhiều năm bố thí cho người nghèo, dân đói; Cất chùa, sửa am; Hết lòng phụng dưỡng kính yêu cha mẹ, cần mẫn thuốc thang giúp người khi bịnh hoạn…
*Khi làm được những việc trên, lúc quỷ sứ đến bắt hồn người chết, Định Phước Táo Quân thờ trong nhà người đó sẽ chấm một điểm vào tấm lệnh bài để xác nhận, thì sau nầy lúc xuống ngục sẽ được miễn giảm hình phạt.
Trên thế gian cũng có những người, vào những năm mùa màng thất bát, khắp nơi đói rách, họ cắt thịt người chết đem bán cho người khác ăn để sống, dã tâm ác độc vô cùng.Những người pham tội cắt thịt nầy, khi bị áp giải đến ngục thứ bảy nầy, Diêm Vương sẽ gia tăng hình phạt thêm lên. Mãn hạn hình phạt thống khổ 49 ngày rồi, sẽ được giải đến Điện thứ mười,ghi chú vào sổ sách, lại chuyển về Ngục thứ nhất để cho đầu thai làm người hoặc súc sanh, bụng lúc nào cũng đói muốn ăn, nhưng khi thấy đồ ăn thì có mùi hôi thúi, không dám ăn, chịu sự đói khát thường xuyên, để trả lại quả báo cũ.
*Những trường hợp lỡ phạm như thế rồi, thì phải hết sức lập công bồi đức chuộc tội, bằng cách bố thí cơm cháo cho người đói khổ những năm bị mất mùa, lập trai đàn chẩn tế cô hồn ngạ quỷ,bố thí cho người nghèo gạo thóc thuốc men thật nhiều. Lại phải thành tâm sám hối ăn năn, in ấn kinh sách khuyến thiện như Ngọc Lịch, Minh Thánh …để giúp người hiểu biết làm lành lánh dữ …thì khi chết mới được Diêm vương tâu lên Ngọc Đế xin miễn giảm tội .
Như thế đủ biết, khi còn sống có thể che dấu để thoát vương pháp thế gian, nhưng khi chết rồi thì một mảy may cũng không thoát khỏi đền tội. Trong sách nói:- “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (lưới trời tuy thưa mà khó lọt) là như vậy !
*Muốn sám hối những tội lỗi lỡ tạo như trên, vào ngày hai mươi bảy tháng ba , phải thành tâm sám hối, ăn chay tụng kinh, day mặt về hướng Bắc mà van vái cầu xin Ngài Thất Điện Thái Sơn Vương phù hộ độ trì cho bớt tội. Lại phải thệ nguyện không tái phạm, làm những điều lành đã nêu thì mới mong giảm được tội hình nơi ngục nầy.
8.- Bát Điện Đô Thị Vương :
(Đô Thị Vương của Điện thứ tám)
*Ngục nầy ở dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng chính Tây, tên là “Địa ngục Đại Nhiệt Não”. Có 16 tiểu địa ngục là :-
1‧Xa Băng Tiểu Địa Ngục . (xe cán)
2‧Muộn Oa Tiểu Địa Ngục . (nồi buồn rầu)
3‧Toái Quả Tiểu Địa Ngục . (nghiền xương)
4‧Lạo Khổng Tiểu Địa Ngục . (các lổ ra nước)
5‧Tiễn Chu Tiểu Địa Ngục . (kéo cắt thành miếng nhỏ)
6‧Thường Thanh Tiểu Địa Ngục . (chuồng nhốt)
7‧Đoạn Chi Tiểu Địa Ngục . (chặt tay chân)
8‧Tiễn Tạng Tiểu Địa Ngục . (xẻ các tạng phủ)
9‧Chích Tuỷ Tiểu Địa Ngục . (đâm lấy tủy)
10‧Bà Trường Tiểu Địa Ngục . (kéo ruột)
11‧Phần Tiều Tiểu Địa Ngục . (coi lò)
12‧Khai Sanh Tiểu Địa Ngục . (bắt nhìn thẳng)
13‧Quả Hung Tiểu Địa Ngục . (đục thủng ngực)
14‧Phá Đỉnh Khiếu Xỉ Tiểu Địa Ngục . (đục đỉnh đầu, bẻ răng)
15‧Trảo Cát Tiểu Địa Ngục . (cắt rút móng)
16‧Cương Xoa Tiểu Địa Ngục . (chĩa bằng gang)
*Những người khi còn sống trên thế gian không hiếu thảo với cha mẹ, lúc cha mẹ còn sống không nuôi dưỡng, lúc cha mẹ chết không lo tống táng. Thường gây ra những lo âu phiền muộn đau khổ cho cha mẹ ông bà, lâu ngày mà chẳng chịu hối cải. Táo Quân dâng sớ tâu lên thiên đình, giảm trừ bớt y lộc tuổi thọ của người đó. Những người nghe lời xúi biểu của tà đạo, làm những điều ác đức xằng bậy, khi chết thì đứa con bất hiếu tới điện nào cũng bị hành phạt hoặc bị xay, cưa, đốt, giã, bị phanh rã tim gan, hoặc bị xe cán. Chứa xâu lường của, trù ếm, chửi rủa, đồ dơ giặt đổ rạch sông, uế trược đến chỗ thờ, phơi áo quần dơ không nể Tam quan v.v. . . bị xô xuống ao huyết phẩn (Huyết Ô Trì).. .. rồi thì đưa sang ngục thứ tám. Ngưu đầu mã diện và ngục tốt lại đưa vào ác tiểu ngục ở đây để trừng phạt tiếp, chịu đựng không biết bao nhiêu điều thống khổ, tiếng kêu khóc vang dậy gấp nhiều lần nên gọi là “đại nhiệt não”. Thọ hình xong mới chuyển qua ngục thứ mười cho đi đầu thai làm súc sanh.
*Trường hợp người nào biết ăn năn cải hối, tin tưởng vào Ngọc Lịch, Minh Thánh …vào ngày mùng một tháng tư , ăn chay, tụng kinh sám hối, thệ nguyện không tái phạm, được Ngài Đô Thị Vương phù hộ giúp đỡ. Lại đến trước bàn thờ Táo Quân để cầu xin sám hối, thề không tái phạm, nguyện làm việc lành …Táo Quân sẽ xác nhận bằng cách, người đó khi chết, trước khi bị quỷ sứ dẫn đi, Táo Quân sẽ viết vào trán một trong ba chữ là:- “Tuân”, “Thuận” hay “Cải”. Như vậy, khi hồn người chết đến các điện từ thứ nhất đến thứ bảy, các vua Diêm La sẽ giảm hình phạt một nửa hoặc hết.
*Trường hợp những người phát tâm mạnh mẽ, ra sức sao chép in ấn các kinh sách khuyến thiện với số lượng lớn, giúp được nhiều người hối cải làm lành, được công đức nhiều thì qua điện thứ chín tra xét không phạm thêm tội nào nửa, chuyển sang điện thứ mười cho đi đầu thai vào nơi phước địa.
*Công đức ấn tống kinh sách rất lớn, người tu học cần nên lưu ý thực hành.
9.- Cửu Điện Bình Đẳng Vương :
(Bình Đẳng Vương của Điện thứ chín)
*Ngục nầy nằm dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng Tây Nam. Tên là “Đại Địa Ngục A-Tỳ”có lưới sắt bao quanh. Có 16 tiểu địa ngục là:-
1‧Xao Cốt Chước Thân Tiểu Địa Ngục . (đập xương gõ vào thân)
2‧Trừu Cân Lôi Cốt Tiểu Địa Ngục . (kéo gân giả xương)
3‧Nha Thực Tâm Can Tiểu Địa Ngục . (quạ ăn tim, gan)
4‧Cẩu Thực Trường Phế Tiểu Địa Ngục . (chó ăn ruột, phổi)
5‧Thân Tiễn Nhiệt Du Tiểu Địa Ngục . (dìm thân chảo dầu sôi)
6‧Não Cô Bạt Thiệt Bạt Xỉ Tiểu Địa Ngục . (đai siết quanh đầu, kéo lưỡi, kéo răng)
7‧Thủ Não Vị Điền Tiểu Địa Ngục . (lấy óc trét vào mình con nhím)
8‧Chưng Đầu Quát Não Tiểu Địa Ngục . (đốt đầu moi não)
9‧Dương Súc Thành Diêm Tiểu Địa Ngục . (dê chà xát thành bột)
10‧Mộc Giáp Đỉnh Sai Tiểu Địa Ngục . (kẹp gỗ siết đầu)
11‧Ma Tâm Tiểu Địa Ngục . (mài trái tim)
12‧Phí Thang Lâm Thân Tiểu Địa Ngục . (đổ nước sôi vào thân)
13‧Huỳnh Phong Tiểu Địa Ngục . (ong vàng chít đốt)
14‧Hạt Câu Tiểu Địa Ngục . (mọt đục thân thể)
15‧Nghị Chú Ngao Đam Tiểu Địa Ngục . (rang nướng giòn)
16‧Tử Xích Độc Xà Toản Khổng Tiểu Địa Ngục . (rắn độc tím , đỏ chui vào các lổ trong người)
*Người khi còn sống làm những việc cùng hung cực ác, như tội thập ác , phải chịu sự trừng phạt theo phép nước như là xử chém, thắt cổ cho chết v.v… đã đành, khi chết lại còn phải trải qua sự hình phạt của nhiều địa ngục rồi cuối cùng là đến địa ngục A-Tỳ nầy.
Những tội nặng đó là:-
-Phóng hỏa đốt nhà cửa người, nuôi những loại trùng rắn độc để bào chế thuốc độc hại người, cho thuốc phá thai, dùng tà pháp thu hút dương khí người nam, âm khí người nữ … để luyện tà thuật. Viết những văn chương thi phú khêu gợi dục tình (dâm thư—sách khiêu dâm), bào chế các loại thuốc, thức uống làm cho người mê ghiền, sa đọa, khích dâm…
Hình phạt tội nhân ở các tiểu địa ngục như sau:-
*Vài thí dụ :- bớt xén tiền cất chùa, tiền in kinh, sửa ngay ra vạy, phản thầy bất trung bị quăng lên núi đao. Ăn thịt trâu chó, sát mạng vật vô cớ, bị quạ mổ. Phân rẽ vợ chồng, thân tộc của người, viết sách văn thơ khiêu dâm bị chó móc ruột ăn tim. Hãm hiếp hoặc dụ dỗ trẻ thơ mà ăn của bị xay ra bột…Tội bất hiếu:- cột bằng đồng nung đỏ, bắt phạm nhân trói ôm vào cột, tay chân mình mẫy đều cháy thành than v.v…
*A-Tỳ địa ngục là gì ?
Chữ A có nghĩa là không; chữ Tỳ có nghĩa là Cứu hay xen kẻ.
Cũng có nghĩa là Vô Gián. Nghĩa là không có thời gian. Ở đây có 5 nghĩa chính:
Thứ nhất là xả thân sanh báo không có thời gian, nghĩa là sinh rồi chết, chết rồi sinh không biết bao nhiêu lần ở trong địa ngục.
Thứ hai là thọ khổ mãi mãi không có niềm vui cũng không có thời gian nhất định.
Thứ ba là thời gian không hạn định, vì ở trong vô lượng kiếp số.
Thứ tư là mệnh sống (tuổi tác) không gián đoạn
Thứ năm là thân thể không gián đoạn. (không mất đi)
Địa ngục nầy ngang dọc 8 vạn do tuần, từ một người cho đến vô số người cũng đều chứa được đầy ắp trong đó.
Mỗi địa ngục còn có 4 địa ngục lớn nhỏ chung quanh nữa vây bọc. Khi chúng sanh ra khỏi một trong 8 địa ngục Vô Gián nầy rồi, thấy những địa ngục bên cạnh như nước lạnh mát mẻ, khởi tâm thích mới chạy vào đó; không ngờ đó là địa ngục thiêu đốt, địa ngục rang nướng, cưa xẻ….tội nhân cứ chết đi sống lại, rồi bị hành hình thọ quả. Nhiều khi muốn chết mà cũng không thể chết được. Vì quả báo thọ chưa xong.
*Những kẻ phạm tội như dưới đây vào Vô gián Địa Ngục: Kẻ bất hiếu với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ. Kẻ đâm chém Phật đổ máu, hủy báng Tam bảo, chẳng kính Tôn Kinh, phá hoại sự hòa hợp của chư Tăng. (gọi là tội ngũ nghịch).
*Kế đến, nhẹ hơn một chút là những kẻ xâm lấn tổn hại chùa chiền, làm ố uế tăng ni, hay ở trong nhà chùa mà dâm dục hoặc giết, hại nhơn vật. Kẻ giả bộ thầy tu, chẳng có tâm thầy tu, dùng phá đồ vật của cải nhà chùa, lường gạt người tại gia, làm trái giới luật, tạo ra rất nhiều tội ác. Kẻ ăn trộm ăn cắp của cải, đồ đạc, lúa gạo, thức ăn uống, quần áo của nhà chùa, người ta không cho mà cũng lấy v.v… không vào ngục vô gián nhưng phải chịu sự hình phạt ở hai ngục :- nóng và lạnh, sau khi thân bị lửa thiêu còn bị đoạ thân qua nơi cực lạnh ,gió lạnh thổi như dao cắt toàn thân chịu thống khổ không thể tả.
*Muốn giảm phần nào hình phạt sau nầy, những người trót lỡ phạm tội nặng (trừ tội ngũ nghịch đã kể trên) phải hết sức thành tâm ăn năn hối cải, ăn chay, tụng kinh sám hối, thu hồi và hủy bỏ tất cả những sản phẩm, phương tiện sai trái đã làm , ấn tống thật nhiều kinh điển khuyến thiện, giúp người cãi dữ làm lành, cứu mạng nhiều người, bố thí cơm ăn, áo mặc, thuốc men trị bệnh cho nhiều người nghèo đói khổ sở v.v…rồi vào ngày mùng tám tháng tư, vái nguyện với Ngài Bình Đẳng Vương ở Điện thứ chín xin sám hối tội lỗi đã tạo, nhiều năm làm như vậy, sẽ được giảm bớt hình phạt ở các tiểu địa ngục và miễn qua địa ngục lạnh.
Những người không rơi vào ngục vô gián thì sau khi chịu hình phạt lâu dài ở ngục thứ chín nầy, chuyển qua ngục thứ mười cho đi đầu thai làm kiếp thú, mãn trăm kiếp thú rồi mới được làm người. Nhưng làm người cô độc, bị bỏ rơi, nghèo khổ, đói khát triền miên, sống tạm bợ lây lất cho đến mãn kiếp (nghĩa là chỉ đở hơn địa ngục một chút thôi, gọi là dư báo). Nhiều kiếp như thế, nếu biết ăn năn sám hối tu hành thì mới được chuyển dần đến chỗ có phước đức.
10.- Thập Điện Chuyển Luân Vương :
(Chuyển Luân Vương của Điện Thứ mười)
*Điện thứ mười ở dưới tầng đá ngầm của cõi U Minh, về phía chính Đông đối với thế giới ngũ trược (trọc) nầy.
*Có tất cả là sáu loại cầu Nại Hà:- cầu làm bằng vàng, bạc, ngọc, đá, gạch, cây. Điện thứ mười là nơi nhận những quỷ hồn của các điện khác chuyển đến. Sau khi thẩm định phước phần của mỗi hồn, sẽ cho đi đầu thai vào các nơi tương xứng, theo các tình trạng :- nam hay nữ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, khôn hay ngu, thọ hay yểu v.v…Mỗi tháng, các điện sẽ chuyển giao một lần các quỷ hồn đến đây. Việc thọ sanh (đi đầu thai ) nầy rất chi tiết, tỉ mỉ, phức tạp như là :- đường nào trong bốn đường thai, noãn, thấp, hóa; như loài vật thì có loài không chân , hai chân , bốn chân hoặc nhiều chân. Có loài thì tự chết, có loài thì bị giết chết…Việc đúc kết rất cẩn thận vì tầm quan trọng lớn lao của nó. Kết quả sẽ ghi kỹ lưỡng cho mỗi quỷ hồn để đưa đến Phong Đô đầu thai.
Thí dụ như:-
*Người không kỉnh giấy chữ (sách kinh thánh hiền), rủ nhau ăn thịt trâu chó, phạt làm ăn mày. Không kỉnh người lớn, chẳng vâng lời phải, thầy dạy học trò không tốt bị người vô cớ nói xấu, khinh khi.Người hay nói ra nói vô, xúi người kiện cáo, trước đã bị hình phạt xô xuống cầu Nại Hà cho rắn cua ăn thịt, nay đầu thai thành người bị vu cáo lãnh án tù đày…
Những nhân sĩ khi sống mà biết ăn chay làm lành, tụng kinh niệm Phật, trì chú v.v… khi khi chết, dược miễn giảm rất nhiều hình phạt ở các ngục.
Những quỷ hồn sau khi thọ hình xong ở các Điện, Điện thứ mười tổng kết xong, lập danh sách chi tiết rồi chuyển họ đến “Dậu khu vong đài” (ăn cháo lú quên quá khứ) của Mạnh Bà Tôn Thần . Kế đó mới cho đi đầu thai tùy theo phước nghiệp cân xứng của mỗi người.
Trường hợp có những hồn ghi nhớ mãi những câu chân ngôn thần chú của Tam Giáo, nhưng không đủ phước báu vãng sanh, mà không thể quên được quá khứ thì cho đi đầu thai tạm thời, chỉ sống một thời gian ngắn, hoặc một hai ngày, hoặc vài tháng vài năm …phải chết lần nữa, trở lại “vong đài” uống thuốc mê cho thật quên hết chân ngôn rồi mới đi đầu thai chính thức.
Cũng có những trường hợp những người mang mãi mối thù hận quá sâu sắc, không chịu đi đầu thai, chấp nhận kiếp ngạ quỷ để theo đòi báo ứng cho xong, mới chịu tái sanh.
Những trường hợp như vậy cũng có rất nhiều vì khi tại thế, đã gây tạo cho nhau quá nhiều hệ lụy, nào là phụ tình, nào là vong ân bạc nghĩa, nào là bị lường gạt đến nổi táng gia bại sản, nào là thù hận ganh ghét chức vụ mà hại nhau, nào là bị áp bức quá đáng… họ đã phát thệ “nhớ mãi không quên” nên phải đi vào con đường quanh co đau khổ nầy. Cho nên biết , “oán thù nên cởi không nên buộc, chẳng những có lợi ngay trong đời nầy, mà còn đở khổ cho lúc tái sanh đời sau”. Nhân gian ráng ghi nhớ !
*Khi còn sống, phải nên tự mình làm lành rồi nên khuyên bảo thân nhân, bè bạn, người xung quanh chung sức làm lành. Giúp đỡ, tương trợ nhau; bố thí cơm áo gạo tiền thuốc men cho người nghèo khổ. Sao chép, ấn tống kinh sách khuyến thiện giúp người giác ngộ lánh dữ làm lành. Bản thân phải lo tu học cho tốt, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật… làm việc thiện không hề lười mỏi. Vào ngày mười bảy tháng tư, vái nguyện Ngài Thập điện Chuyển Luân Vương gia trì thêm phước phần ở kiếp sau.
11.- Đệ Thập Điện Chuyển Kiếp Sở
(Sở cho người đầu thai ở Điện thứ mười)
* Sở chuyển kiếp nầy trên dưới xung quanh đều có hàng rào bằng sắt, bên trong chia ra làm 81 chỗ. Mỗi chỗ đều có đình đài khang trang, có quan lại ngồi bàn làm việc. Bên ngoài hàng rào, có những con đường nhỏ “ruột dê” (quanh co) , có mười vạn tám ngàn (một trăm lẻ tám ngàn) lối đi, uốn khúc quanh co dẫn đến “tứ đại bộ châu” .
*Bên trong sở, tối om như thùng sơn, chỉ thấy có một con đường để cho người đi đầu thai đi ra ngõ đó thôi. Bên ngoài nhìn vào giống như thủy tinh, chằng chịt nhiều đường ngang nẻo dọc, có các quan lại làm việc rất bận rộn, nhưng không bao giờ có sự nhầm lẫn . Có những trường hợp xét thêm để cho thăng hay giáng. Như người khi còn sống. có lòng hiếu thảo với cha mẹ hoặc những người không sát sanh mà còn phóng sanh…làm được nhiều điều thiện, sau năm lần thẩm tra, được các “thiện quan” tâu xin cho tăng thêm hưởng phước . Trái lại, những người sau khi thẩm tra lại, phát hiện ra còn sót tội, hoặc hình phạt chưa đủ, thì sẽ tâu xin giáng bớt phước , như những người bất hiếu, sát sanh nhiều…
Những người tội nặng, thọ vào thân súc sanh, bị thay đầu đổi mặt, trở thành một trong bốn loài:- cầm (chim), thú (bốn chân), ngư (cá), trùng (côn trùng), là được cho đi vào những đường nhỏ quanh co. Phàm đã thọ thân súc , thì phải trải qua rất nhiều kiếp, thai sanh thì có các thú, noãn sanh thì có sấu, rùa, rắn, chim …, thấp sanh thì có các loài trùng bọ…Qua nhiều kiếp như thế, mới được lên làm người. Còn những quỷ hồn chấp nhận làm ngạ quỷ, vì không tin vào luân hồi , nhân quả, mang nặng ghi sâu những thù hậnoan1 hờn, sống vất va vất vưởng, không có khái niệm về thời gian. Nếu không có những vị Bồ-Tát từ bi lập trai đàn chẩn tế và cầu siêu cho, thì vẫn mãi mãi đói khát và không có cơ hội để đầu thai kiếp khác. Ngoài ra, nếu lỡ bị đọa vào A-Tỳ địa ngục thì mãi mãi không được trở lại làm người. Như vậy, kinh nói:- “Thân người khó được”, không phải là điều nói quá.
12.- Đệ Thập Điện Mạnh Bà Thần :
(Thần Mạnh Bà ở Điện thứ mười)
Vị thần tên Mạnh Bà nầy, sinh vào đời Tiền Hán, lúc nhỏ học Nho, sau chuyển qua học Phật. Vị nầy có đặc điểm là “quá khứ thì không nhớ đến, tương lai thì không nghĩ tới” , suốt đời chỉ biết khuyên người ăn chay, làm lành. Đến năm 81 tuổi mà “hạc phát đồng nhan” (tóc già như chim hạc mà mặt vẫn như người trẻ), vẫn còn là “xử nữ” (gái trinh).
Người đời chỉ biết bà họ Mạnh, nên gọi bà là “bà vú Mạnh Bà”. Bà vào núi tu Tiên, tồn tại mãi đến đời Hậu Hán.
Trước đây, vì con người sanh ra thì vẫn còn nhớ đến kiếp trước, nên nhớ và tìm đến những quyến thuộc xưa, trí nhớ vẫn tốt nên kể lại chuyện đầu thai, làm tiết lộ thiên cơ (máy trời). Do đó, Thượng Đế mới sắc phong cho họ Mạnh làm người cai quản “Dậu khu vong đài” (đài làm quên) có các quỷ sứ giúp việc. Khi Điện thứ mười đã có quyết định là hồn sanh vào chỗ nào, địa vị ra sao…thì trước khi đi đầu thai , phải đến chỗ “Đài khu vong” nầy. Ở đây, dùng các dược vật trên thế gian, bào chế thành một loại “như rượu mà không phải rượu”, chia ra làm năm vị loại là :- ngọt, đắng, cay, chua, mặn.
Các hồn được chuyển thế, phải uống loại nước nầy, quên đi tất cả người và sự việc, cảnh giới của đời trước.Theo thứ tự trên mà quên đi nhiều hay ít, lâu hay mau, sâu hay cạn… tùy theo công phu tu hành và phước đức của kiếp trước . Vì thế, người sanh ra, có kẻ khôn người ngu, kẻ học một biết mười, kẻ học hoài chẳng nhớ. Cũng có những người “không học mà biết” là do uống ít “thuốc quên” nầy vậy.
Đài khu vong ở Điện thứ mười nầy, nằm phía trước điện và bên ngoài của sáu chiếc cầu Nại hà. Đài to lớn khắp cả vùng đất. Số phòng có đến một trăm lẻ tám gian, hướng đông có con đường đâm thẳng vào, bề ngang hẹp chừng một thước bốn tấc (để hồn chỉ đi hàng một). Các hồn nam nữ được đưa vào từng phòng, mỗi phòng đều có bày sẵn thức uống nói trên, do nghiệp lực mà hồn cảm thấy khát nước nhiều ít mà uống nhiều hay ít. Còn hồn nào ương ngạnh không chịu uống, thì dưới chân xuất hiện một cái vòng khóa chân lại, trên cổ có một ống bằng đồng chận đè vảo cổ, phải hả miệng ra. Chịu không nổi đau đớn nên phải uống thật nhiều mới tha.
Sau khi uống xong, có một quỷ sứ xuất hiện, dắt vào con đường dẫn đến chiếc cầu , bên dưới là một khe nước đỏ như máu đang chảy xiết. Đứng trên cầu, nhìn thấy phía đối diện có một hòn đá đỏ lớn, có bốn hàng chữ, mỗi chữ lớn bằng cái đấu (lít), viết như sau:-
“Vi nhân dung dị, tố nhân nan,
Tái yếu vi nhân, khủng cánh nan.
Dục sanh phước địa, vô nạn xứ,
Khẩu dữ tâm đồng, khước bất nan”
*Dịch:-
“Là người thì dễ, làm người khó,
Muốn lại làm người, càng khó hơn.
Muốn sanh đất phước, không tai nạn
Thì miệng giống tâm, chẳng khó gì”
*Lúc hồn đang đọc mấy hàng chữ nầy thì bên phía cầu bên kia, xuất hiện hai con quỷ lớn từ dưới rẻ nước bay lên. Một con thì đầu đội mão “ô sa”, mình mặc áo gấm, tay cầm giấy bút, vai mang đao bén, lưng có đeo hình cụ, trợn tròng cặp mắt, cười to ha hả…Quỷ nầy tên là “Hoạt Vô Thường” (sanh không định trước). Một tên nữa thì mặt mày đầy máu, mình mặc áo trắng, tay cầm bàn toán (bàn tính), vai vác bao gạo, trên ngực có dán tờ giấy, hai cặp chân mày nhăn lại, than dài thở vắn. Quỷ nầy tên là “Tử Hữu Phận” (chết có phần sẵn). Hai tên quỷ nầy nắm chân hồn lôi kéo xuống dòng nước đỏ, tùy theo phước nghiệp mà đè xuống cạn sâu. Cạn thì được hưởng phước, sâu thì phải chịu đọa đày. Hồn lúc nầy ngơ ngơ ngác ngác, chẳng còn biết gì nữa, cứ lo ngóc đầu lên , thì chốc lát đã chui ra khỏi “tử hà xa” (bào thai, tử cung) của bà mẹ, khóc lên ba tiếng “tu-oa”. Kế rồi lớn lên, ham ăn hốt uống, mê mãi theo đời, mê muội “Như Lai Phật Tính”, quên hết ơn Trời, Phật, Thánh, Thần, chẳng nhớ làm thiện mà cứ theo đường ác, đến mãn kiếp lại trở về với hồn ma bóng quỷ như lần trước. Thật là tội nghiệp thay cho thân phận người không biết tu hành để giải thoát !
Các việc kể trên là do một vị thư lại, làm việc ở “Khu vong đài” theo lệnh Ngọc Đế ghi chép lại trong Ngọc Lịch ,để phổ biến khắp cả cho thế nhân biết mà lo tu hành, cầu đạo giải thoát.
13.- Uổng Tử Thành :-
*Đại Đế Phong Đô nói:- “Uổng Tử Thành nằm về bên phải của Điện thứ mười. Thế gian hay lầm nghĩ rằng, những người bị tai nạn chết bất ngờ đều phải vào trong thành nầy. Nếu điều đó là thật, thì những người chết oan chết ức đều là tốt hết cả sao ? Cho đến vẫn còn thấy rất nhiều oan hồn chưa tiêu hết phẩn hận, những kẻ tự tử, những kẻ bị hại… vẫn còn đang chịu sự hình phạt trong các điạ ngục, chưa biết ngày nào được đi đầu thai.
Vào trog Thành Uổng Tử nầy, chỉ có những người “Trung hiếu tiết nghĩa, xả thân vì nước (tận trung báo quốc), hoặc tử tiết thành thần. Vì chết bất ngờ nên chưa thẩm định kịp, phải tạm thời ở đây, chờ ngày để đầu thai nơi phước địa hoặc được phong thần. Như vậy, đây là nơi dành riêng cho những người tốt ở tạm chờ xét. Đó mới đúng là nghĩa của Uổng Tử Vậy.
14.- Huyết Ô Trì :-
*Huyết Ô Trì, tức là cái ao bị vẫn đục do máu gây nên.
Ao nầy nằm phía sau, bên trái của Điện thứ mười. Người thế gian hiểu sai về ý nghĩa của nơi đây là do từ một vị Đạo Cô đã giảng sai lúc xưa. Vị ấy nói những người đàn bà trên thế gian, khi sanh nở máu huyết làm ô uế đất cát nên phải mang tội, lúc chết bị xuống đây, điều đó là không đúng.
Chỉ là trường hợp những người nữ khi sanh đẻ, bị trục trặc lâm nạn mà chết , vua Diêm Vương không xét tội của người chết đang ô uế, nên mới cho đến đây.Chờ cho đủ mười ngày, người ấy đã tỉnh táo, tắm rửa sạch sẻ thay đổi quần áo rồi mới cho lên điện để xét xử. Còn về việc làm ra sự ô uế, nếu có, thì người sản phụ chỉ chịu bảy phần, người gia trưởng của nhà đó phải chịu ba phần trách nhiệm, chứ không thể đổ hết tội lỗi cho sản phụ.
Vào trong ao nầy, đúng nghĩa là những người bất luận là nam hay nữ, khi sống đã phạm tội giao hợp với nhau mà không kiêng chỗ thờ phượng trời Phật thánh thần. Cũng không chịu kiêng cử vào những ngày vía, giờ kiêng. Thí dụ như ngày 14, 15 tháng năm; ngày mùng 3 và 13 tháng tám; ngày mùng 10 tháng mười. Năm ngày ấy gọi là “Chưởng tử giới nhật” (ngày kiêng của việc tạo ra con). Phạm vào những ngày nầy, có thể bị thần trừng phạt mắc ác bệnh mà chết. Sau khi đã thọ xong hình phạt ở các ngục vì tội khác rồi, mới đưa đến đây để bắt họ trầm mình dưới ao nầy, chẳng cho lên bờ.
*Lại có những kẻ hoặc nam hoặc nữ có tánh hiếu sát bừa bãi, lại bất cẩn để cho máu vương vãi, dính vào bếp táo, nơi điện thờ thần thánh Phật, hoặc sách vở thánh hiền , kinh điển, hoặc chén dĩa ở bàn thờ…thì đều phạm tội.
Những người nầy phải chịu sự hình phạt ở các điện về tội khác xong rồi mới đến đây để chịu phạt trầm mình dưới ao không cho ngóc đầu lên. Muốn hóa giải tội nầy, người thân ở dương thế phải ăn chay làm lành, thệ nguyện giới sát và làm hạnh phóng sanh. Làm đủ phước rồi còn tụng thêm “Huyết Ô Kinh Sám” (Kinh sám hối huyết ô) thì phạm nhân mới được giải tội để đi đầu thai.
*Lại có những kẻ nam nữ ở thế gian, khi thấy có người bị nạn mình có thể cứu được mà lại không chịu cứu, hoặc thọ ơn người mà đã không chịu đền đáp lại còn tính kế mưu hại người ơn, cũng phải chịu tội ở ao nầy. Trường hợp những người nói trên sau đó phát tâm tu hành tích lũy công đức rất lớn, thì khi chết có thể được miễn hình phạt huyết ô, nhưng vẫn phải chịu quả báo thành ra các loài quỷ như:- ly, mỵ, vọng, lượng, sơn yêu, mộc khách, thủy quái, cương thi (thây ma cứng biết đi), hồn vất vưởng đây kia, hoặc nhẹ thì cũng gá tánh linh vào những loài chồn, cáo, gấu, beo, cá sấu, rắn… hàng trăm năm, nếu biết ăn năn tu tỉnh mới được đầu thai, còn nếu không chuyển hóa được trong tâm thì vẫn mãi mãi trụ ở tình trạng như thế.
*Một điểm nữa là, ở thế gian cũng hiểu sai về việc tin có “Thần giữ của”. Thục ra, đây chẳng phải là thần thánh gì cả, mà chỉ là hồn ma của người lúc sống có chôn cất số của cải tài sản nào đó, khi chết vẫn quyến luyến bám theo tài sản để giử của. Nếu có ai đến đào lấy, họ sẽ hiện thành ma quỷ hù nhát người đào, khiến cho người ấy có thể vì quá sợ hãi, sinh bệnh mà chết. Những loại âm hồn kiểu nầy, chẳng kể là dân giả hay nho sĩ quan lại gì cả, nếu có tánh tiếc nuối của cải tài sản đều trở thành “ma giữ của” . Muốn hóa giải nghiệp nầy, chỉ có cách tốt nhât là mời thỉnh những vị đạo cao đức trọng, những vị chân tu có đạo lực, đến tổ chức trai đàn cầu siêu, thuyết pháp cho họ nghe hiểu giác ngộ lẽ vô thường của thế gian. Chính cái thân của mình còn không giữ được, huống nữa là tài sản của cải là những thứ từ ngoài vào, làm sao có thể giữ ch được. Nhờ vậy, họ mới tỉnh ngộ mà phát tâm tu hành, chuyển hóa đầu thai kiếp khác.
*Nếu không có được những vị đạo cao đức dày khuyến hóa, thì người thân có thể tổ chức những buổi cầu siêu, những dịp chẩn tế tập thể thật long trọng , cứu giúp được nhiều người. Sau đó, thành tâm hồi hướng tất cả công đức làm ra “cho tất cả sanh linh được sớm thành Phật đạo”. Được vậy mới khả dĩ hỗ trợ người thân mình thoát khỏi nạn “giữ của” nầy.
*Trường hợp những người vì mạng lệnh nhà vua mà phải lên đường chinh chiến, bất đắc dĩ phải chấp hành, nhưng trong lòng không muốn. Trong lúc làm lính bất đắc dĩ đó, vẫn luôn thương yêu giúp đỡ bạn bè đồng đội, tranh bắn giết bừa bãi dân chúng vô tội …nếu chẳng may bị chết, thì được miễn những hình phạt của các ngục. Đến điện thứ nhất xem xét nghiệp lực rồi chuyển thẳng đế điện thứ mười cho đi đầu thai vào nơi phước địa. Còn nếu, lỡ vào quân ngũ mà lại sanh tâm hiếu sát, băn giết bừa bãi…thì khi chết sẽ gia thêm hình phạt và thời gian gấp đôi. Thế gian hãy ghi nhớ mà làm !
15.- Hắc Bạch Vô Thường :-
*Câu “sanh không biết kỳ, tử lại có hạn” nói lên quan điểm nhận thức của người đời đối với việc sống chết. Còn đối với hai vị “Hắc Bạch Vô Thường” thì ai ai cũng sợ hãi, cho là hai con quỷ hại người. Ấn tượng của thế gian là, Hắc vô thường là mặc áo đen, Bạch vô thường là mặc áo trắng. Một hôm nào lỡ gặp hai vị nầy thì có nghĩa là số mạng đình chỉ !
Nhưng có số sách vở nói rằng, đừng nên sợ hãi khi gặp hai vị Hắc Bạch nầy, lúc đó chỉ cần bình tỉnh, thành tâm cầu bái và xin hai vị cho mình “bất cứ món đồ gì”, nhất định về sau sẽ “đại phú quí” ! Cho nên, trên bàn thờ của một số đoàn hát kịch ở một vài địa phương có thờ hai vị Hắc Bạch Vô Thường chung với Thần Tài, mà chiếc mão trên đầu hai vị có ghi câu “Nhất kiến sinh tài” (một lần thấy ta ắt có tiền).
(Hết phần Thập điện Diêm La vương)
Tìm hiểu thêm
DIÊM VƯƠNG THẬP ĐIỆN
Tàn Mộng Tử
Trong cổ đại Trung Quốc vốn không có quan niệm về Diêm Ma (閻魔) hay Diêm
Vương (閻王), nhưng sau khi Phật Giáo du nhập vào đất nước nầy, Diêm Vương được
xem như là vị chủ thần của Địa Ngục và tín ngưỡng nầy bắt đầu lưu hành. Từ Diêm Ma,
nguyên ngữ Sanskrit là Yama, âm dịch là Diêm Ma La Xã (閻魔羅社), Diễm Ma La Xà
(琰摩羅闍), Diêm La (閻羅), Viêm Ma (炎摩), Diệm Ma (焰摩), Diễm Ma (琰魔), Diêm
Ma La (閻摩羅); ý dịch có nhiều nghĩa khác nhau như trói buộc (trói tội nhân), song thế
(nơi thế gian thường chịu hai loại quả báo vui và khổ), vua bình đẳng (trừng phạt tội một
cách bình đẳng), dứt trừ tội ác, ngăn chận tranh giành và chấm dứt tội ác. Tất cả những
ý nghĩa trên đều nói lên trách nhiệm của vua Diêm Ma dưới Minh Phủ nhằm giám thị tội
của chúng sanh và làm cho phải khiếp sợ khi làm điều ác. Theo thần thoại cổ đại Ấn Độ,
Yama—vị thần của chánh pháp—cùng với Yamī là thần song sinh, là người chết đầu tiên
1
của nhân loại; vì vậy sau nầy họ được xem như là tử thần và thống quản âm giới. Sau khi
Phật Giáo có mặt tại Ấn Độ, vua Diêm Ma được xem như là chủ của cõi Ngạ Quỷ, vua
quản lý thế giới Địa Ngục, thân của ác nghiệp chiêu cảm, hay hóa thân của Địa Tạng Bồ
Tát (地藏菩薩), v.v. Trong Mật Giáo, vua Diêm Ma là một trong 12 vị trời của Ngoại
Kim Cang Bộ thuộc Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼荼羅), là vị thần của Ngoại
Kim Cang Bộ thuộc Thai Tạng Giới Mạn Trà La (胎藏界曼荼羅). Có một vài tục ngữ
liên quan đến Diêm Vương như “Diêm Vương bất tại gia, nghiệp quỷ do tha náo (閻王不
在家、業鬼由他鬧, Diêm Vương không ở nhà, quỷ con gây náo loạn)”, có nghĩa là khi
người chủ vắng mặt thì người cấp dưới lợi dụng cơ hội làm náo loạn; “Diêm Vương hảo
kiến, tiểu quỷ nan đương (閻王好見、小鬼難當, Diêm Vương dễ thấy, quỷ con khó
gặp)” hay “Diêm Vương phán nhĩ tam canh tử, bất đắc lưu nhân đáo ngũ canh (閻王判
你三更死、不得留人到五更, Diêm Vương phán ngươi canh ba chết, chẳng được giữ
người đến canh năm)”, v.v.
Thập Điện Diêm Vương (十殿閻王), còn gọi là Diêm Ma Thập Điện (閻魔十殿),
Diêm Vương Thập Điện (閻王十殿), Thập Điện Minh Vương (十殿冥王), Thập Điện
Diêm La (十殿閻羅), Thập Điện Từ Vương (十殿慈王). Nguyên lai chỉ có một vị Diêm
Vương, nhưng sau khi Phật Giáo được truyền vào Trung Quốc, tín ngưỡng về Diêm
Vương có ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở đây, trải qua nhiều
biến hóa, Hán hóa sắc thái và cuối cùng quan niệm nầy trở thành Thập Điện Diêm
Vương. Kinh điển ban đầu của Phật Giáo không có đề cập đến Thập Điện Diêm Vương.
Tỷ dụ như theo Cấm Độ Tam Muội Kinh (禁度三昧經), Diêm Vương chỉ quản hạ 5 vị
quan, gồm: Tiên Quan (鮮官) chuyên ngăn cấm sát sanh, Thủy Quan (水官) chuyên ngăn
cấm trộm cắp, Thiết Quan (鐵官) chuyên ngăn cấm tà dâm, Thổ Quan (土官) chuyên
ngăn cấm nói lời hai lưỡi và Thiên Quan (天官) cấm việc uống rượu. Hơn nữa, trong
Phật Tổ Thống Ký (佛祖統記) quyển 33, bộ sử truyện nổi tiếng của Phật Giáo Trung
Quốc, có ghi rằng: “Trên đời truyền tụng rằng Hòa Thượng Đạo Minh (道明和尚) nhà
Đường thần du xuống Địa Phủ, thấy có 15 hạng người thuộc hạ (của Diêm Vương), từ đó
lưu truyền trên thế gian.” Như vậy, thuộc hạ của Diêm Vương đã biến thành 15 người.
Danh hiệu của Thập Điện Diêm Vương xuất hiện đầu tiên trong Dự Tu Thập Ngũ Sanh
Thất Kinh (預修十五生七經), Diêm Vương Kinh (閻王經), v.v.
Căn cứ Ngọc Lịch Bảo Sao (玉曆寶鈔), kỳ thư khuyến thiện trừng ác do Đạm Si (淡
癡) nhà Tống trước thuật, 10 ngôi điện do Linh Bảo Thập Phương Cứu Khổ Thiên Tôn (
靈寳十方救苦天尊) hóa thành, được 10 vị Diêm Ma cai quản, gồm:
(1) Tần Quảng Vương (秦廣王, Qín-guàng, hay Tần Quảng Vương Tương [秦廣王
蔣]), còn gọi là Thái Tố Diệu Quảng Chơn Quân (泰素妙廣眞君), cai quản ngôi điện thứ
nhất, do Đông Phương Thiên Tôn (東方天尊) hóa thành, sống ở Huyền Minh Cung (玄
冥宮), chịu trách nhiệm trông coi về sanh tử của con người và quản lý toàn bộ việc cát
hung của cõi u minh, ngày sinh của ông là mồng 2 tháng 2 âm lịch. Quỷ Phán Quan của
cõi nầy sống ngoài tảng đá Ốc Tiêu (沃焦[礁])
1
trong biển lớn. Hướng chánh Tây của
điện nầy là con đường tối om dẫn đến Huỳnh Tuyền (黃泉); nếu người làm ác thì sau khi
chết sẽ bị nhập vào đài cao bên phải của điện nầy tên là Nghiệt Kính Đài (孽鏡台); đài
cao 1 trượng, treo hướng về phía Đông, phía trên có 7 chữ lớn “Nghiệt Kính Đài tiền vô
hảo nhân (孽鏡台前無好人, Trước Nghiệt Kính Đài không người tốt)”. Sau khi được
chiếu soi ở Nghiệt Kính Đài xong, tội nhân sẽ được phê giải xuống ngôi điện thứ hai để
chịu ngục hình thọ khổ tùy theo tội nặng hay nhẹ.
(2) Sở Giang Vương (楚江王, Chŭ-jiāng, hay Sở Giang Vương Lệ [楚江王厲]), còn
gọi là Âm Đức Định Hưu Chơn Quân (陰德定休眞君), cai quản ngôi điện thứ hai, do
Nam Phương Thiên Tôn (南方天尊) hóa thành, sống tại Phổ Minh Cung (普明宮) dưới
đáy biển sâu, chịu trách nhiệm trông coi Hoạt Đại Địa Ngục (活大地獄, địa ngục sống
lâu), Hàn Băng Địa Ngục (寒冰地獄, địa ngục băng lạnh) và Bác Y Đình (剥衣亭, nhà
cởi áo) và 16 địa ngục bên dưới như Hắc Vân Sa (黑雲沙), Phẩn Niệu Nê (糞尿泥), Ngũ
Xoa (五叉), Cơ Ngạ (飢餓), Khát (渴), Nùng Huyết (膿血), Đồng Phủ (銅斧), Đa Đồng
Phủ (多銅斧), Thiết Khải (鐵鎧), U Lượng (幽量), Kê (雞), Hôi Hà (灰河), Chước Tiệt (
斫截), Kiếm Diệp (劍葉), Hồ Lang (狐狼), Hàn Băng (寒冰). Ngày sinh của ông là
mồng 3 tháng 3 âm lịch.
(3) Tống Đế Vương (宋帝王, Sòng-dì, hay Tống Đế Vương Dư [宋帝王餘]), còn
gọi là Động Minh Phổ Tĩnh Chơn Quân (洞明普靜眞君), cai quản ngôi điện thứ ba, do
Tây Phương Thiên Tôn (西方天尊) hóa thành, sống ở Trụ Tuyệt Cung (紂絕宮), chịu
trách nhiệm trông coi Hắc Thằng Địa Ngục (s: Kālasūtra-naraka, 黒繩地獄, địa ngục có
sợi dây thừng đen). Những ai bị kiện tụng, không vâng lời các bậc trưởng thượng, không
thương mạng dân, sĩ thứ thấy lợi mà quên nghĩa, chồng bất nghĩa, vợ không thuận, từng
thọ ân huệ mà phụ bạc, nô bộc phản gia chủ, hay phạm tội vượt ngục, trốn quân dịch,
v.v., sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục nầy. Ngày sinh của ông là mồng 8 tháng 2 âm
lịch.
(4) Ngũ Quan Vương (五官王, Wŭ-guān, hay Ngũ Quan Vương Lữ [五官王呂]),
còn gọi là Huyền Đức Ngũ Linh Chơn Quân (玄德五靈眞君), cai quản ngôi điện thứ tư,
do Bắc Phương Thiên Tôn (北方天尊) hóa thành, sống ở Thái Hòa Cung (太和宮), chịu
trách nhiệm trông coi Hợp Đại Địa Ngục (s: Sagāta-naraka, 合大地獄, địa ngục hợp
lại thành to lớn) và Huyết Trì Địa Ngục (血池地獄, địa ngục có hồ máu) cùng với 16 địa
ngục nhỏ như Trì (池), Mâu Liên Trúc Thiêm (蝥鏈竹籤), Phí Thang Kiêu Thủ (沸湯澆
手), Chưởng Bạn Lưu Dịch (掌畔流液), Đoạn Cân Dịch Cốt (斷筋剔骨), Yển Kiên Loát
Bì (堰肩), Tỏa Phu (鎖膚), Tồn Phong (蹲峰), Thiết Y (鐵衣), Mộc Thạch Thổ Ngõa (木
石土瓦), Kiếm Nhãn (劍眼), Phi Hôi Tắc Khẩu (飛灰塞口), Quán Dược (灌藥), Du
Hoạt Điệt (油滑跌), Thích Chủy (剌嘴), Toái Thạch Mai Thân (碎石埋身). Những ai
thường hay lừa dối sẽ bị đọa xuống địa ngục nầy; ngày sinh của ông là 18 tháng 2 âm
lịch.
(5) Diêm Ma Vương (閻魔王, Yama-rāja, Yán-mó, hay Diêm La Vương [閻羅王],
Diêm Ma Vương Thiên Tử Bao [閻魔王天子包]), còn gọi là Tối Thánh Diệu Linh Chơn
Quân (最聖耀靈眞君), cai quản ngôi điện thứ năm, nguyên trước kia trông coi ngôi điện
thứ nhất, nhưng vì đồng tình với tội nhân ở đó, nên bị chuyển xuống đây, do Đông Bắc
Phương Thiên Tôn (東北方天尊) hóa thành, sống ở Củ Luân Cung (糾倫宮), chịu trách 4
nhiệm trông coi Khiếu Hoán Địa Ngục (s: Raurava-naraka, 叫喚地獄, địa ngục la hét)
và 16 địa ngục nhỏ khác; ngày sinh của ông là mồng 8 tháng giêng âm lịch.
(6) Biện Thành Vương (卞城王, Biàn-chéng, hay Biện Thành Vương Tất [卞城王畢
]), còn gọi là Bảo Túc Chiêu Thành Chơn Quân (寶肅昭成眞君), cai quản ngôi điện thứ
sáu, do Đông Nam Phương Thiên Tôn (東南方天尊) hóa thành, sống ở Minh Thần Cung
(明晨宮), chịu trách nhiệm trông coi Đại Khiếu Hoán Địa Ngục (s: Mahāraurava-
naraka, 大叫喚地獄, địa ngục la hét lớn) và Uổng Tử Thành (枉死城, thành chết oan
uổng) cũng như 16 địa ngục nhỏ khác như Thường Quỵ Thiết Sa (常跪鐵砂), Thỉ Nê
Tẩm Thân (屎泥浸身), Ma Tồi Lưu Huyết (磨摧流血), Kiềm Chủy (鉗嘴), Cát Thận
Thử Giảo (割腎鼠咬), Cức Cương Hoàng Toản (棘綱蝗鑽), Đối Đảo Nhục Tương (碓搗
肉漿), Liệt Bì Kỵ Lôi (裂皮曁擂), Hàm Hỏa Bế Hầu (銜火閉喉), Tang Hỏa Hồng (桑火
烘), Phẩn Ô (糞污), Ngưu Điêu Mã Táo (牛雕馬躁), Phi Khiếu (緋竅), Đầu Thoát Xác (
頭脫殼), Yêu Trảm (腰斬), Bác Bì Tuyên Thảo (剝皮揎草). Những ai đã từng chửi
mắng trời và hướng về phương Bắc mà tiểu tiện sẽ bị đọa xuống nơi nầy; ngày sinh của
ông là mồng 8 tháng 3 âm lịch.
(7) Thái Sơn Vương (泰山王, Tài-shān, hay Thái Sơn Vương Đổng [泰山王董]),
còn gọi là Thái Sơn Huyền Diệu Chơn Quân (泰山玄妙眞君), cai quản ngôi điện thứ
bảy, do Tây Nam Phương Thiên Tôn (西南方天尊) hóa thành, sống ở Thần Hoa Cung (
神華宮), chịu trách nhiệm trông coi Nhiệt Não Địa Ngục (s: Tapana-naraka, 熱惱地獄,
địa ngục đau khổ vì nóng) và 16 địa ngục nhỏ khác như Tuất Tự Thôn (卹自吞), Liệt
Hung (冽胸), Địch Thối Hỏa Bức (笛腿火逼), Quyền Kháng Phát (權抗發), Khuyển
Giảo Hĩnh Cốt (犬咬脛骨), Úc Thống Khốc Cẩu (燠痛哭狗), Tắc Đảnh Khai Ngạch (則
頂開額), Đảnh Thạch Tồn Thân (頂石蹲身), Đoan Bảo Thượng Hạ Trác Giảo (端鴇上
下啄咬), Vụ Bì Trư Tha (務皮豬拖), Điếu Giáp Túc (吊甲足), Bạt Thiệt Xuyên Tai (拔
舌穿腮), Trừu Tràng (抽膓), Loa Đạp Miêu Tước (騾踏貓嚼), Lạc Thủ Chỉ (烙手指),
Du Phủ Cổn Phanh (油釜滾烹). Những ai chế thuốc từ xương người chết và xa lánh
người thân sẽ bị đọa xuống nơi nầy; ngày sinh của ông là 27 tháng 3 âm lịch.
(8) Bình Đẳng Vương (平等王, Píng-dĕng, hay Đối Đẳng Vương Lục [對等王陸]),
còn gọi là Vô Thượng Chánh Độ Chơn Quân (無上正度眞君), cai quản ngôi điện thứ
tám, do Tây Bắc Phương Thiên Tôn (西北方天尊) hóa thành, sống ở Thất Phi Cung (七
非宮), chịu trách nhiệm trông coi A Tỳ Địa Ngục (s: Avīci-naraka, 阿鼻地獄, tức Địa
Ngục Vô Gián) và 16 địa ngục nhỏ khác như Sao Cốt Chước Thân (敲骨灼身), Trừu Cân 5
Lôi Cốt (抽筋擂骨), Nha Thực Tâm Can (鴉食心肝), Cẩu Thực Tràng Phế (狗食膓肺),
Thân Tiễn Nhiệt Du (身濺熱油), Não Cô Bạt Thiệt Bạt Xỉ (腦箍拔舌拔齒), Thủ Não
Điền (取腦填), Chưng Đầu Quát Não (蒸頭刮腦), Dương Súc Thành Diêm (羊搐成鹽),
Mộc Giáp Đảnh (木夾頂), Ma Tâm (磨心), Phí Thang Lâm Thân (沸湯淋身), Hoàng
Phong (黃蜂), Hiết Câu (蠍鉤), Nghĩ Chú Ngao Đam (蟻蛀熬眈), Tử Xích Độc Xà Toản
(紫赤毒蛇鑽). Ngày sinh của ông là mồng 8 tháng 4 âm lịch.
(9) Đô Thị Vương (都市王, Dōu-shì, hay Đô Chủ Vương Hoàng [都主王黃]), còn
gọi là Phi Ma Diễn Hóa Chơn Quân (飛魔演化眞君), cai quản ngôi điện thứ chín, do
Thượng Phương Thiên Tôn (上方天尊) hóa thành, sống ở Bích Chơn Cung (碧眞宮),
chịu trách nhiệm trông coi Đại Nhiệt Não Địa Ngục (s: Mahātapana-naraka, 大熱惱地
獄, địa ngục đau khổ vì nóng lớn) và 16 địa ngục nhỏ như Xa Băng (車崩), Muộn Oa (悶
鍋), Toái Quả (碎剮), Khổng Tiểu (孔小), Tiễn Chu (翦朱), Thường Thanh (常圊), Đoạn
Chi (斷肢), Chích Tủy (炙髓), Ba Tràng (爬膓), Phần (焚), Khai Sanh (開瞠), Quả Hung
(剮胸), Phá Đảnh Khiêu Xỉ (破頂撬齒), Cát (割), Cương Xoa (鋼叉). Ngày sinh của ông
là mồng 1 tháng 4 âm lịch.
(10) Chuyển Luân Vương (轉輪王, Zhuàn-lún, hay Chuyển Luân Vương Tiết [轉輪
王薛]), còn gọi là Ngũ Linh Uy Đức Chơn Quân (五靈威德眞君), cai quản ngôi điện thứ
mười, do Hạ Phương Thiên Tôn (下方天尊) hóa thành, sống ở Túc Anh Cung (肅英宮);
ngày sinh của ông là 17 tháng 4 âm lịch. Ông chuyên trông coi các hồn quỷ được áp giải
đến từ các điện khác, phân biệt, quyết định tội phước nặng nhẹ của tội nhân, phân phát đi
khắp các bộ châu, tìm đất và loại để cho vong hồn đầu thai. Ông còn có nhiệm vụ xem
xét việc thiện ác của tội nhân để thông tri cho cấp trên, thẩm định thọ mạng ngắn dài
cũng như tội phước thay đổi của tội nhân. Quá trình khảo tra rất nghiêm mật, cuối cùng
mới cho tội nhân cầu vàng, cầu ngọc, cầu đá, cầu gỗ hay Cầu Nại Hà (奈河橋, Nại Hà
Kiều) và chuyển tống lên cho đầu thai vào 6 đường. Nếu như ở trên đời làm các việc
thiện, khi sanh ra sẽ được trời người kính ngưỡng; sau khi chết đi cũng được quỷ thần
cung kính; lúc ấy tự thân Chuyển Luân Vương cũng thân hành dẫn các sứ thần đến
nghinh đón. Cho nên dân gian có câu rằng: “Tích thiện chi gia hữu dư khánh, tích bất
thiện chi gia hữu dư ương (積善之家有餘慶、積不善之家有餘殃, Nhà tích lũy việc
thiện thì có nhiều điều tốt đẹp, nhà không tích lũy việc thiện thì có nhiều tai ương).”
Từ cuối thời nhà Đường trở đi, tín ngưỡng Thập Điện Diêm Vương trở nên thịnh
hành. Thông thường, trong Miếu Thành Hoàng ở các địa phương có thiết lập Diêm 6
Vương Điện (閻王殿) để thờ Thập Điện Diêm Vương. Tại các tự viện Phật Giáo, hai bên
phải trái của bàn thờ Địa Tạng Bồ Tát cũng có thờ Thập Điện Diêm Vương. Tín ngưỡng
Thập Điện Diêm Vương cũng được du nhập vào Việt Nam và vẫn còn lưu hành cho đến
ngày hôm nay. Như trong các lòng văn sớ dâng cúng cầu siêu, thường có đề cập đến
Minh Vương (冥王, tức Diêm Vương), Diêm Ma Thập Điện như: “Tư lâm Đại Tường chi
trai tuần, chánh trị khôn phủ đệ thập điện, Chuyển Luân Minh Vương án tiền trình quá
(茲臨大祥之齋旬、正値坤府第十殿、轉輪冥王案前呈過, Nay gặp lúc tuần chay dịp
Đại Tường, đúng vào điện thứ mười, xin trình trước án Chuyển Luân Minh Vương)”, hay
“Cung phụng: Diện Nhiên Đại Sĩ, uy quang khắc đáo ư kim tiêu; Địa Tạng từ tôn, thần
lực đại chương ư thử dạ; Diêm Ma Thập Điện, chiếu khai Thập Bát Địa Ngục chi môn;
Tả Hữu Phán Quan, thiêu tận ức kiếp luân hồi chi tịch; tỷ Lục Đạo Tứ Sanh chi vi mạng,
khô mộc phùng xuân; sử cửu huyền thất tổ chi sảng linh, đồng đăng giác ngạn (恭奉、
面燃大士、威光刻到於今霄。地藏慈尊、神力大彰於此夜。閻魔十殿、照開十八地
獄之門。左右判官、燒盡億刼輪廻之籍。俾六道四生之微命、枯木逢春。使九玄七
祖之爽靈、同登覺岸, Cúi xin: Diện Nhiên Đại Sĩ, ánh sáng oai lực đến đêm nay; Địa
Tạng từ bi, thần lực hiển bày vào tối nầy. Diêm Ma Mười Điện, mở Mười Tám địa ngục
cửa tung; Phán Quan phải trái, đốt sạch hồ sơ luân hồi muôn kiếp; cho mạng nhỏ của
Bốn Loài Sáu Đường, cây khô gặp xuân; khiến hương linh của cửu huyền thất tổ, cùng
lên bờ giác)”, v.v.
Phần chú thích:
1. Ốc Tiêu (沃焦[礁]): tên gọi một tảng đá rất to lớn hút nước mà trong Cựu Hoa Nghiêm Kinh (舊華嚴
經) quyển 59 có đề cập đến, do vì nó to lớn như núi nên được gọi là Ốc Tiêu Sơn (沃焦山). Dưới núi
nầy có hỏa khí của A Tỳ Địa Ngục (s: Avīci-naraka, 阿鼻地獄) bốc lên ngùn ngụt cho nên nó thường
nóng bức. Như trong Kim Cang Tam Muội Bản Tánh Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt Kinh (金剛三昧
本性清淨不壞不滅經) có đoạn rằng: “Như A Nậu đại trì xuất tứ đại hà, thử tứ đại hà phân vi bát hà,
cập Diêm Phù Đề nhất thiết chúng lưu giai quy đại hải; dĩ Ốc Tiêu Sơn cố, đại hải bất tăng, dĩ Kim
Cang Luân cố, đại hải bất giảm (如阿耨大池出四大河、此四大河分爲八河、及閻浮提一切眾流皆
歸大海、以沃焦山故、大海不增、以金剛輪故、大海不減, như hồ lớn A Nậu phân thành bốn con
sông lớn, bốn sông lớn nầy lại chia thành tám sông, chúng cùng với tất cả các sông cõi Diêm Phù Đề
đều đỗ về biển lớn; vì núi Ốc Tiêu nầy mà biển lớn không tăng; và nhờ có vòng Kim Cang mà biển lớn
không giảm)”. Ngoài ra, còn có biển Ốc Tiêu, là nơi chúng sanh thọ khổ. Bên cạnh đó, trong kinh điển
Phật Giáo thường dùng từ Ốc Tiêu để ví cho dục tình vô cùng vô tận của kẻ phàm phu ngu muội, cũng
như sự nóng bức của viên đá nầy, khổ đau không có ngôn từ nào diễn đạt được. Đạo Giáo giải thích rõ
về truyền thuyết, xuất xứ của núi Ốc Tiêu có phần hơi khác. Trong Cẩm Tú Vạn Hoa Cốc (錦繡萬花
谷) có đoạn rằng: “Ốc Tiêu tại bích hải chi đông, hữu thạch khoát tứ vạn lí, hậu tứ vạn lý, cư bách 7
xuyên chi hạ, cố hựu danh Vĩ Lư; Sơn Hải Kinh Nghiêu thời, thập nhật tinh xuất, Nghiêu sử Nghệ xạ
cửu nhật, lạc vi Ốc Tiêu (沃焦在碧海之東、有石闊四萬里、厚四萬里、居百川之下、故又名尾閭、
《山海經》堯時、十日並出、堯使羿射九日、落為沃焦, Núi Ốc Tiêu ở phía Đông biển xanh, có
khối đá rộng bốn vạn dặm, dày bốn vạn dặm, nằm dưới trăm con sông, nên có tên là Vĩ Lư; Sơn Hải
Kinh cho rằng dưới thời nhà Nghiêu, có mười mặt trời cùng xuất hiện, vua Nghiêu sai Hậu Nghệ bắn
chín mặt trời, rơi xuống thành núi Ốc Tiêu).” Bên cạnh đó, Thôi Nam Tử (淮南子) còn cho biết thêm
rằng: “Nghiêu nãi mạng Nghệ xạ thập nhật, trung kỳ cửu nhật, nhật trúng ô tận tử (堯乃令羿射十日、
中其九日、日中烏盡死, Vua Nghiêu bèn ra lệnh cho Hậu Nghệ bắn mười mặt trời, trong chín mặt
trời đều bị trúng tên chết hết)”. Sau nầy mười mặt trời bị Hậu Nghệ (后羿) bắn được giải thích là
Thang Quốc (湯國, xứ sở nước nóng); tương truyền 9 mặt trời bị bắn rơi trôi nỗi về phía Nhật Bản, cho
nên tại Quận A Tô (阿蘇郡, Aso-gun), Huyện Hùng Bổn (熊本縣, Kumamoto-ken), Cửu Châu (九州,
Kyūshū), Nhật Bản có thành lập “Thang Cốc Thiên Quốc (湯谷天國, Thiên Quốc Hang Nước Nóng)”.
Người Trung Quốc thường gọi Nhật Bản là “Ốc Tiêu” hay “Vĩ Lư (尾閭)”. Tại ngôi điện phía nam của
Cực Lạc Tự (極樂寺), vùng Cáp Nhĩ Tân (哈爾濱), Hắc Long Giang (黑龍江), Trung Quốc có thờ hai
vị U Minh Giáo Chủ (幽明教主) và Địa Tạng Vương Bồ Tát (地藏王菩薩); kinh văn có ghi rằng:
“Tống Đế Vương cai quản đáy biển lớn, dưới núi Ốc Tiêu phía đông nam, Hắc Thằng Đại Địa Ngục;
người sống trên dương thế, nếu người nào không biết ơn quốc gia, thê thiếp phụ tình ân ái của chồng,
thọ nhận ân huệ cũng như tài sản của người khác, bản thân phạm tội mà không gắng sức cải tạo; sau
khi chết rồi xuống cõi âm, đều do Tống Đế Vương quản lý.”