THÀNH HOÀNG
Hai chữ THÀNH HOÀNG , nghĩa đen là cái hào bao quanh để hộ vệ một cái thành. “Thành” là chỉ cho thành quách, “Hoàng” là cái hào không có nước để hộ vệ cho thành. Có nước thì gọi là “trì” (ao), không có nước thì gọi là “Hoàng”. Như vậy, xuất xứ hai chữ Thành Hoàng là có ý nói đến sông rạch bao quanh thành quách.
Do “thành hoàng” có ý nghĩa trọng đại đối với sự anh toàn của một thành (tức là một địa phương), nên Thành Hoàng dần dần được thần cách hóa , trở thành “Thần bảo vệ thành trì” hay là “Thần hộ vệ thành”. Nhiệm vụ của Thành Hoàng là bảo hộ thành trì và cư dân khi bị thiên tai hay loạn lạc, là Thủ Hộ Thần của thành thị. Về sau , trải qua nhiều thời đại, Thành Hoàng được gán thêm những nhiệm vụ khác như:- cầu mưa, cầu tạnh ráo, ban phước, giải trừ tai nạn v.v…Vô hình trung trở thành ông quan vô hình cai quản địa phương, có thể thưởng thiện phạt ác, là ông quan do Minh Phủ phái đến dương gian để cai quản dân tình.
*Trong con mắt cùa dân chúng, Thành Hoàng Gia là vị Pháp Quan của cõi âm, có thể bổ sung cho những thiếu sót của Pháp Quan dương thế. Do đó mà được bá tánh sùng kính thờ phụng.
Điều sùng bái trước tiên là tất cả những gì liên quan đến sinh hoạt của dân chúng địa phương đều có thần chứng giám, tỏ biết hết. Thành Hoàng cũng có khả năng bảo hộ tính mệnh và tài sản của dân làng. Như thế chẳng phải là có công lớn với nhân dân, đáng được mọi người tôn thờ cúng kính sao ?
*Từ đó, ta có thể nhận ra rằng, Thành Hoàng Gia là đối tượng sùng bái của cư dân thành thị, Thổ Địa Công, Thần Nông là đối tượng sùng bái của nông dân. Điều nầy cho phép ta rút ra kết luận là Thành Hoàng thành hình do dân thành thị mà có. Nếu xét về mặt niên kỷ, thì Thành Hoàng có tuổi kém hơn Thổ Địa Công và Thần Nông rất xa. Nhưng phạm vi quản lý của Thổ Địa Công lại nhỏ hơn của Thành Hoàng , vậy thì ta có thể nói rằng quyền hạn và chức trách của Thành Hoàng lớn hơn của Thổ Địa.
*Lịch sử cho thấy, thuật ngữ Thành Hoàng Gia chính thức có từ thời Bắc Tề. Đó là giai đoạn đang chiến loạn dữ dội, “thành trì” rất khó bảo vệ, thành thử quyền lực, uy vọng và thần thông của Thần Bảo Hộ trở nên hết sức trọng yếu. Địa vị của Thành Hoàng lần lần trở nên được đề cao thêm. Đến thời kỳ vua Mẫn Đế đời Đường, thì cả nước đâu đâu cũng xây dựng Miếu Thành Hoàng , lại được nhà vua sắc phong tử tế.
*Đến thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương chấp chánh, thì cứ theo cách tổ chức hành chánh của đất nước mà sắc phong. Ví dụ:- coi sóc cả nước thì phong làm “Thiên Hạ Đô Thành Hoàng”, có chức “Vương”, coi sóc một tỉnh thì phong làm “Đô Thành Hoàng”, cũng ở chức “Vương” (Thành Hoàng của kinh sư là Minh Linh Vương), coi sóc một Phủ thì phong làm “Phủ Thành Hoàng”, có chức “Công”, coi sóc một châu thì phong làm “Châu Thành Hoàng”, có chức “Hầu”, xưng là “Linh Ứng Hầu” hoặc “Tuy Tĩnh Công”, coi sóc một huyện thì phong làm “Huyện Thành Hoàng”, có chức “Bá”, xưng là “Hiển Hữu Bá”.
*Từ đó, sự sùng bái Thành Hoàng trong dân gian được phổ biến rộng khắp nước. Bất cứ Huyện thành nào trong nước, cũng xây một Miếu Thành Hoàng, tọa Nam triều về Bắc. Trong miếu có vị Thành Hoàng đoan tọa, chưởng quản mọi việc lớn nhỏ trong toàn huyện. Đến đời nhà Thanh thì phát triển xây miếu Thành Hoàng tại các thành phố lớn.
*Thành Hoàng Gia đã là một vị quan địa phương thuộc U Minh Giới, dĩ nhiên phải có nhiều cơ quan và thuộc hạ giúp việc, kể cả tư pháp và cảnh sát nữa. Theo truyền thống, các bộ ty của Thành Hoàng gồm có:-
-Diên Thọ Ty (coi về tuổi thọ)
-Tốc Báo Ty (báo cáo nhanh)
-Củ Sát Ty (quan sát theo dõi)
-Tưởng Thiện Ty (ban thưởng người, việc lành)
-Phạt Ác Ty (trừng phạt kẻ, việc ác)
-Tăng Lộc Ty (ban cho phước lộc)
Thông thường xưng là “Lục Quan” hoặc “Lục Thần Gia”. Chức năng và danh xưng của các Ty nầy tương đồng với thế gian.
Ngoài các Ty, còn có hai “Phán Quan Văn” và “Phán Quan Võ”, cùng với “Ông Ngưu”, “Ông Mã”, “Ông Gông Cùm”, “Ông Xiềng Xích” là bốn vị “Gia Gia”. Bên cạnh còn có hai vị Tướng Quân có vai trò quan trọng tên là “Phạm Vô Cứu” (có tội miễn xét xử) và “Tạ Tất An” (cúng tạ được bình an) mà dân gian tôn xưng là Tạ thất gia và Phạm bát gia, hai vị nầy làm trợ lý cho Thành Hoàng trong việc trừng gian trừ ác.
Thành Hoàng là một chức vị thuộc về “ Cấp Thần”. Những vị Thành Hoàng nầy có khả năng khác nhau, không ai giống ai cả. Vì sao thế ? Bởi vì truyền thuyết của dân gian nói rằng, ở vùng A có nhân vật B, khi sống là người chính trực cao thượng, lúc chết được phong làm Thành Hoàng thì đã đành. Cũng có những vị tham quan ô lại nhưng có công phục vụ, làm lợi cho vua chúa lúc bấy giờ, khi chết cũng được nhà vua phong cho làm Thành Hoàng . Về hạng Thành Hoàng thứ hai nầy, đaso61 đều bị các văn nhân khinh bỉ.coi thường , thậm chí còn viết câu đối để mắng chữi là khác. Ví dụ ở một ngôi miếu Thành Hoàng kia, có tương truyền những câu đối sau:-
「Biệt khán ngã miếu tiểu thần tiểu , bất lai thiêu hương , tiều tiều ;
Na nhậm tha quan đại thế đại , nhược yếu tác ác , thí thí . 」
(Đừng thấy miếu nhỏ thần nhỏ, chẳng đến đốt hương, rình rình…
Ngày kia thành quan lớn thế lớn, kẻ nào làm ác, thử thử …)
*Chú giải:- hai câu nầy dùng lối “đồng âm dị nghĩa” để chơi chữ. Đọc sơ qua thì không thấy gì, nhưng những chữ “tiểu” “đại”, “tiều tiều”, “thí thí” nầy lại đồng âm với những chữ có nghĩa thô tục:- đi tiểu, đi đại, đánh rắm v.v..—ND)
*Hai câu khác :-
「Nhậm bằng nễ vô pháp vô thiên , đáo thử nghiệt kính cao huyền , hoàn hữu đảm phủ ?
Đản tri ngã năng khoan năng thứ , thả bả đồ đao phóng hạ , hồi chuyển đầu lai . 」
(Nếu quả ông là người không trời không phép nước, hãy đến trước đài cao Nghiệt Cảnh, ông dám hay không?
-Nhưng biết rằng (chúng) tôi hay khoan hồng hay tha thứ, mau buông đao đồ tể, quay đầu lại ngay đi ! )
*Triều nhà Thanh, mỗi khi một vị quan lại đến nhậm chức tại địa phương nào, việc trước tiên là đến Miếu Thành Hoàng để khấu bái Ngài phù hộ.
Một số địa phương có lệ là nếu có một người nào bị nghi ngờ phạm tội, mà người đó không chịu nhận, thì phải đến Miếu Thành Hoàng lập thệ lớn là được tin tưởng vô tội.
Vài nơi khác thì khi ông quan cai trị vùng đó, gặp một vụ án mà không thể tìm ra thủ phạm, ông ta đích thân đến lễ bái Thành Hoàng để cầu xin Ngài báo mộng cho biết thử phạm.
Xem thế, đủ thấy sức mạnh niềm tin của quần chúng đối với Thành Hoàng là hết sức mạnh mẽ và to lớn đến chừng nào !
*Thành Hoàng Gia là vị quan cõi âm của địa phương, theo truyền thuyết thì vào các ngày Thanh Minh, Trung Nguyên (15/7), Hạ Nguyên (15/10), Thành Hoàng Gia sẽ đi “tuần tra”, nên dân gian tổ chức các buổi lễ “Nghênh Thần” hay “Xuất Hội” để cúng bái Thành Hoàng , sẽ được Ngài ban phước lộc và bảo hộ bình an.
________________________________________
Thất Gia Bát Gia
Các Miếu thờ Thành Hoàng đều không thể thiếu hai vị Thất Gia và Bát Gia. Bởi vì, mỗi khi Thành Hoàng xuất hội, thì hai vị nầy phải đi trước để sắp đặt công việc. Thất Gia, Bát Gia còn gọi là Trường Gia, Đoản Gia (Cao Gia, Nụy Gia), cũng gọi là hai quỷ Hắc Bạch Vô Thường . Tập quán dân gian thì tôn xưng là “Tạ Tướng Quân và Phạm Tướng Quân”, có nhiệm vụ bắt giải các phạm nhân đưa đến trước mặt Thành Hoàng để Ngài phán xét.
*Thất Gia họ Tạ tên Tất An, có thân cao, gò má đen, cho nên dân gian gọi là Hắc Vô Thường. Bát Gia họ Phạm tên Vô Cứu, vì thân hình lùn thấp, gò má trắng nên dân gian gọi là Bạch Vô Thường.
Cũng theo truyền thuyết nói rằng, hai vị nầy là người ở Huyện Mân tỉnh Phước Kiến, kết bạn thân từ lúc nhỏ, tình như thủ túc. Một hôm, hai người có việc đi đến cầu Nam Đài để sang sông, thì bổng nhiên có mưa lớn đổ xuống. Thất Gia bảo Bát Gia đứng ở dưới chân cầu đợi ông chạy về nhà lấy dù. Bát Gia giữ lời hứa, dù mưa to nước lũ dâng lên nhưng không bỏ đi, thân hình lùn thấp nên bị nước cuốn trôi mất. Thất Gia mang dù đến , không thấy Thất Gia biết là ngộ nạn, nên giữ lời thề nguyện “đồng sanh đồng tử” khi kết bạn ngày xưa, nhảy xuống sông chết theo. Diêm Vương thương sự trung tín và thủy chung của hai người, phong cho hai người làm bộ hạ Thành Hoàng .
*Một thuyết khác thì nói, hai vị tướng quân Phạm , Tạ là người ờ triều đại nhà Đường. Khi có loạn An Lộc Sơn , vua Đường Minh Hoàng chạy trốn đến Tây Thục. Tướng Trương Tuần và Hứa Viễn tử thủ giữ thành Tuy Dương, sai họ Phạm và Tạ xuất thành đi cầu viện. Tạ Tất An bị bắt và bêu đầu trên thành địch, còn Phạm Vô Cứu bị chết trôi. Thành Tuy Dương bị thất thủ, Trương Tuần và Hứa Viễn được phong làm Thành Hoàng Gia, còn Phạm, Tạ thì phong làm Hộ Vệ cho Thành Hoàng .
*Có người lại giải thích, “tạ tất an” là bị bệnh cúng tạ Thành Hoàng thì được lành, còn “phạm vô cứu” là đã gây tội thì không người nào cứu được !
Âm Dương Ty Công
Âm Dương Ty Công , là bộ hạ của THÀNH HOÀNG gia, thân thể tự chia ra hai phần đen và trắng, hình dạng khiến trông thấy phải khiếp sợ, mà tạo ra tác dụng trừ điều ác giúp điều lành. Âm Dương Ty Công coi sóc về thưởng công hay trị tội của dân gian, cùng quản lý các hồn ma quỷ trong địa phương mình. Trong tín ngưỡng dân gian, Ngài rất gần gũi với con người, nhất cử nhất động của bất cứ ai cũng đều biết. Từ niềm tin đó, con người mới sợ không dám làm điều xấu sợ Ngài trừng phạt, mà cố gắng làm việc lành tốt để được Ngài ban thưởng.
*Tướng lạ của Ngài là gò má bên trắng bên đen, thần khí mạnh mẽ khiến người nhìn thấy không lạnh mà run, lòng sanh e dè sợ sệt. Sự hiện diện của Ngài góp phần duy trì đạo đức tốt đẹp và hạn chế bớt những hành động sái quấy của dân gian.
Đa số thì Âm Dương Ty Công được thờ chung trong Miếu Thành Hoàng . Một số nơi có xây miếu riêng để thờ.
Văn Phán Quan 、Vũ Phán Quan
「Văn Phán Quan 」phụ trách đúc kết hành động , việc làm thiện ác của nhân dân và tuổi thọ của mỗi người, sau đó, ghi chép thành sổ sách, gọi là “Phán Quyết Thư”.「Vũ Phán Quan 」thì căn cứ vào phán quyết của Văn Phán Quan để thực hiện việc trị tội kẻ ác.
Tướng dạng của Văn Phán Quan thì nho nhã, tay cầm bút và sổ sách định đoạt mệnh vận của hồn ma quỷ. Vũ Phán Quan tay cầm “lang nha bổng” (gậy răng sói) , mặt mày dữ dằn thể hiện năng lực phạt ác trong dân gian.
*Nhược Thủy dịch
(từ http://www.fushantang.com)
*Có thể tham khảo về Nghi Thức cúng Đình (tức cúng Thành Hoàng ) ở các đình Miền Nam, mẫu lá sớ cúng Đình, nghi thức Đại Bội v.v… ở địa chỉ sau:-
*Link Nghi thức cúng thần Đình:-
http://www.hoangthantai.com/forum/index.php?topic=588.0
*Link Nghi thức xây chầu hát bội cúng Đình:-