-->

2011-08-20

Nguyệt Hạ Lão Nhân

http://nguoimientayvn.files.wordpress.com/2011/07/nguyet_lao.jpg?w=400&h=600
Nguyệt hạ lão nhân (ông già dưới trăng) còn gọi là Nguyệt Lão hay Nguyệt Lão Công, theo truyền thuyết , là vị thần chuyên về làm mai mối hôn nhân của con người. Là vị thần mà biết bao cặp tình nhân từng thành tâm ký thác mệnh vận tốt đẹp của nhân duyên đời mình.

*Tục ngữ nói: “Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên—Vô duyên đối môn bất tương thức” (Nếu có duyên thì ngàn dậm cũng có sợi dây cột lại, Còn không duyên với nhau thì đối cửa cũng chẳng biết nhau. Tương tự hai câu phổ biến: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ--Vô duyên đối diện bất tương phùng).

*Hạnh phúc lớn lao nhất của đời một người là, chẳng phải lấy nhầm một “bà già tốt”, mà hơn phân nửa là thích chọn người hiền hậu ôn hòa, có tâm chung thủy. Nhưng mà cái sự đời không đơn giản như thế, trên thế gian nầy vẫn luôn có những trai đơn gái chiếc, mặc dầu họ đã bỏ ra rất nhiều công sức đi tìm đầu nầy đầu nọ. Vì vậy, mới có Miếu Thờ Nguyệt Hạ Lão Nhân, gọi là “ứng vận nhi sinh” (theo vận hạn mà sinh ra) để làm chỗ giải bày tâm sự của người “có nhu cầu”. Có lúc thì Miếu Thờ Nguyệt Lão ở nơi riêng biệt, có khi lại nằm bên cạnh một miếu thờ khác.

*Ở Tây Hồ của Hàng Châu có Am Bạch Vân, trong có Miếu Thờ Nguyệt Lão. Nơi đây có câu liễn đối rất khéo:

“Nguyện thiên hạ hữu tình nhân, đô thành liễu quyến thuộc,
Thị tiền sanh chú định sự, mạc thác quá nhân duyên”

(Nguyện cho những đôi tình nhân trong thiên hạ, đều thành quyến thuộc của nhau—Nếu đã là chú định từ kiếp trước, thì đừng để lầm bỏ qua nhân duyên)

photo

*Ông Lý Phục đời Đường đã kể lại trong quyển “Tục U Quái Lục—Định Hôn Điếm” rằng:

"Nguyên đời nhà Đường (618-907) có chàng nho sĩ tên Vi Cố, học giỏi, thi phú tài danh. Một hôm du học đến Đông Đô, giữa đêm trời quang mây tạnh, trăng sao vằng vặc, gió hiu nhẹ thổi, chàng thơ thẩn dạo chơi, chàng bỗng ngạc nhiên vì nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, ngồi dưới ánh sáng trăng, mắt nhìn vào quyển sổ to, tay se tơ đỏ. Trông người tiên phong đạo cốt. Vi Cố lấy làm lạ đến gần, hỏi:

- Chẳng hay lão trượng ở đâu đến đây mà ngồi một mình giữa đêm khuya canh vắng? Còn sách này là sách chi và tơ đỏ này, cụ se làm gì?

Cụ già đáp:

- Ta là Nguyệt Lão, xem sổ định hôn của dân gian. Còn chỉ ta đương se là duyên của vợ chồng do tơ này buộc lại.

Vi Cố mừng rỡ, yêu cầu cụ già cho biết duyên của mình. Cụ già mỉm cười nói:

- Số duyên của nhà ngươi là con bé 3 tuổi của mụ ăn mày, thường ăn xin ở chợ Đông Đô.
Vi Cố nghe nói hỡi ôi, buồn tủi không nói được tiếng. Cụ già biết ý, bảo:

- Đó là duyên trời định. Già này không thay đổi được. Mà nhà ngươi muốn tránh cũng chẳng xong.

Vi Cố buồn bã, từ giã lủi thủi đi về.

Sáng hôm sau, Vi Cố ra chợ Đông Đô, quả thực trông thấy một mụ ăn mày dơ dáy, tay ẵm đứa bé gái 3 tuổi, thơ thẩn xin ăn ở góc chợ. Cố bực tức, mướn một gã lưu manh đâm chết được đứa bé kia, sẽ thưởng nhiều tiền. Tên lưu manh vâng lời, cầm dao xông đến, chém một nhát vào đầu đứa bé. Mụ ăn mày hốt hoảng, ôm con chạy.

Nhìn thấy máu tuôn xối xả, tên lưu manh tưởng đứa bé đã chết, sợ người bắt nên cuống cuồng chạy trốn.

Mười lăm năm sau, Vi Cố đi thi đỗ Thám Hoa. Vào triều bái yết nhà vua xong, Cố ra lễ quan Tể Tướng họ Chu vốn làm chủ khảo khoa thi. Thấy quan tân khoa chưa vợ, quan Tể Tướng liền gả con gái cho. Vi Cố mừng rỡ, bái tạ.

Đến khi nhập phòng, Cố nhìn thấy vợ mỹ miều, đẹp đẽ lấy làm hớn hở, vừa ý. Chợt nhìn ở sau ót có một vết thẹo, chàng lấy làm lạ hỏi. Nàng thành thật kể rõ thân thế mình vốn là con của mụ ăn mày, 15 năm về trước bị tên lưu manh ác độc, không biết có thâm thù gì lại chém nàng. May mẹ nàng nhanh chân chạy khỏi, nàng chỉ bị thương sau ót. Mẹ chết, nàng chịu cảnh bơ vơ, may Tể Tướng gặp giữa đường, vì không con nên đem về nuôi xem như máu huyết.

Nghe vợ thuật, Vi Cố thở dài, lẩm bẩm:

- Thật là duyên trời định, tránh đâu cũng không khỏi.

Tuy than thở nhưng Vi Cố cũng lấy làm hả dạ, vì dù sao... vợ cũng đẹp và là con yêu của nhà quan to.

Trong vở kịch thần thoại "Lên cung trăng" của Ngô Tổ Quang có chép.

Hậu Nghệ, người nước Hữu Cùng, sau khi bắn 9 mặt trời, được tôn làm hoàng đế, một đêm cùng 2 người đồ đệ là Ngô Cương và Phùng Mông đi đường. Cả ba gặp một ông lão ngồi dưới ánh sáng trăng, tay cắp một quyển sổ to. Trên sổ buộc tơ đỏ chằng chịt. Hậu Nghệ lấy làm lạ, hỏi:

- Thưa cụ! Cuốn sách sao lại có buộc dây đỏ thế kia?
Cụ già nói:

- Quý nhân đã hỏi, già này phải nói thực: già này chuyên coi việc hôn nhân thiên hạ. Đây là quyển sổ cưới gả của người thế gian.

- Thế thì may quá. Ba thầy trò chúng tôi đều độc thân, nhờ cụ xét coi việc hôn nhân chúng tôi thể nào?

Ngô Cương đến trước nghiêng mình xưng tên họ và nhờ cụ già xem. Cụ già giở sổ xem một lúc nhưng không nói. Hậu Nghệ hỏi:

- Thưa cụ thế nào?

Ngô Cương nóng nảy, giục:

- Có không cụ?

Cụ già đáp:

- Số tráng sĩ trọn đời không vợ.

Ngô Cương mỉm cười:

- Không vợ cũng được.

Đến phiên Phùng Mông. Cụ già bảo:

- Vì tráng sĩ chưa quyết, còn tấn thối lưỡng nan nên việc hôn nhân vì thế mà chưa nhứt định.

Hậu Nghệ cất tiếng cười ha hả:

- Té ra hai đứa học trò đều không vợ cả, dám phiền cụ xét coi số phận của Nghệ này ra sao?

Cụ già cúi đầu giở sổ, một lúc kêu lên:

- Có đây rồi. Cách đây rất xa, ở trong một cái hang hiu quạnh tại phương Bắc. Cô con gái nhà nghèo, mình không áo che thân, cơm không đủ ngày hai bữa.

Hậu Nghệ tỏ vẻ bất bình:

- Tôi có một người vợ như thế sao?

Cụ già cười bảo:

- Nàng là chim phượng hoàng, là đóa hoa khôi, kiếp trước đã định rồi, đời này sẽ tác hợp. Nàng hiện giờ còn nhỏ quá.

Nghệ nóng nảy hỏi:

- Thì mấy tuổi.

- Mới có 6 tuổi thôi.

Phùng Mông, Ngô Cương nín không nổi, bật cười, nhưng thấy Hậu Nghệ có vẻ giận nên không dám cười nữa. Hậu Nghệ nói với cụ già:

- Tôi không tin.

- Già đã nói là không bao giờ sai. Sổ nhân duyên đã chép, đâu có phải nói chơi được.
Hậu Nghệ lẩm bẩm:

- Nhưng mới có 6 tuổi.

Cụ già điềm đạm nói:

- Sau 10 năm nữa há chẳng 16 tuổi ư? Sau 20 năm nữa há chẳng phải 26 tuổi ư? Lại 60 năm nữa há chẳng phải 66 tuổi ư? Quý nhân chẳng biết con gái lớn lên, thay đổi đến mười tám lần sao?

Hậu Nghệ bực tức, lớn tiếng:

- Rõ ràng là cụ muốn trêu tôi!

Cụ già đĩnh đạc bảo:

- Ngàn dặm nhơn duyên một sợi tơ, trêu đùa sao được.

Hậu Nghệ giận dữ, quát:

- Đồ quỷ.

Nhưng cụ già đã biến mất.

Mười năm sau, Hậu Nghệ sai Ngô Cương đến phương Bắc, tìm được Hằng Nga, bắt về phong làm hoàng hậu, đúng như lời cụ già dưới trăng đã nói trước.

Cụ già đó là Nguyệt Lão.

Do những điển tích này mà có những chữ "Tơ hồng", "Chỉ hồng" để chỉ việc nhân duyên vợ chồng. Những chữ "Ông tơ", "Nguyệt Lão", "Trăng già" cũng do điển này mà ra. Hiện giờ trong lễ cưới, có lễ Tơ Hồng, tức lễ ông cụ già vô danh ngồi dưới trăng đó.

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" có câu:

Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Trong "Cung oán ngâm khúc" cũng có câu:
Tay Nguyệt Lão khờ sao có một,
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.

Và:

Tay Nguyệt Lão chẳng se thì chớ,
Se thế này có dở dang không?"(*)

*Do vì Nguyệt Hạ Lão Nhân nối sợi chỉ đỏ cho những cặp nam nữ nào có nhân duyên với nhau, nên trong dân gian phổ biến tục lệ “Cột sợi chỉ đỏ” cho dâu rễ vào ngày cưới. Tục lệ nầy đã có từ đời Đường. Trong quyển Sử Thư đời Đường có chép câu chuyện:- “Quan Đô Đốc Cổn Châu là Quách Nguyên Chấn đã lớn tuổi mà chưa có vợ, quan Tể Tướng Trương Gia Chấn thấy anh ta vừa có tài vừa đẹp trai, mới chọn chàng làm rễ quí. Nhưng vì ông ta có tới năm đứa con gái, không biết chọn đứa nào để gả cho tốt. Bèn nghĩ ra một cách, cho năm cô gái ngồi ở sau một tấm màn. Tay mỗi người đều có cột một sợi chỉ đỏ, đầu mối chỉ để lú ra ngoài trước. Bảo Quách Nguyên Chấn ngồi trước màn để chọn lựa sợi chỉ, hễ của cô nào thì gả cô đó. Chàng lựa một hồi báo kết quả là đã chọn được tiểu thư thứ ba rất có tài có sắc, hai người kết hợp được cuộc nhân duyên tâm đầu ý hiệp, vô cùng mỹ mãn”.

*Hồi mới đầu, cuộc hôn lễ nào cũng có nghi thức “cột chỉ đỏ”, nhưng đến đời Tống lại biến thành “đội khăn đỏ” . Trong hôn lễ, cặp dâu rễ đội chung chiếc khăn đỏ đi vào phòng tân hôn. Tập tục nầy hàm ý nói:- “Đồng tâm tương kết, bạch thủ giai lão” (đồng tâm kết hợp nhau, đến lúc già đầu bạc). Cho nên hiện nay, ở một vài địa phương vẫn còn duy trì tập tục nầy.

*Tương truyền vào ngày rằm tháng tám âm lịch là ngày sinh nhật của Nguyệt Hạ Lão Nhân. Cho nên , vào ngày ấy, có rất nhiều trai đơn gái chiếc đến Miếu Thờ của Nguyệt Lão để cầu cho được mối lương duyên. Cũng có rất nhiều người được thỏa nguyện nên mang “bánh mừng” , “đường mừng” đến cúng tế Ngài để trả lễ.

*Nguyệt Hạ Lão Nhân gọi tắt Nguyệt Lão, là vị Thần Hôn Nhân chính thức. Trong dân gian, ngoài câu chuyện có quan hệ đến việc chung thân là Nguyệt Lão kể trên, còn thờ cúng một số vị Thần khác, như là :- “Nguyệt Thần”, “Nguyệt Cung Nương Nương”, “Nguyệt Quang Bồ Tát” hay “Nguyệt Cô” v.v…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Quý vị có thể để lại nhận xét, cảm nhận dưới mỗi bài viết nhưng:
- Không bàn luận đến chính trị của các quốc gia trên thế giới.
- Không được bàn luận hay phỉ báng bất kỳ tôn giáo nào khác.
- Không bàn luận tới sắc tộc gây chia rẽ các dân tộc trên toàn thế giới.
- Không viết những lời thô tục
- Không xúc phạm, chửi bới người khác
- Không đặt liên kết tới những Website đen, có chứa Vi rút hay những phần mềm có chứa mã độc hại
+ Chỉ bàn luận những lĩnh vực liên quan tới Phật Giáo.
+ Hãy giới thiệu Website này tới những người thân, bạn bè của quý vị. Những người không theo, sẽ theo và đã theo Đạo Phật đều có thể xem và tim hiểu trên Website này.
* Trân trọng cám ơn!